Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phiên 26/3: GAS hụt hơi, VIC nhấn ga bứt phá
 
Với sự khởi sắc trở lại của nhiều cổ phiếu lớn, VN-Index gần như đã lấy lại hết những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 26/3
Diễn biến VN-Index phiên ngày 26/3

Trong phiên cuối tuần trước, VN-Index đã giảm mạnh từ mức đỉnh lịch sử do ảnh hưởng từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, thị trường đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch sáng nay, dù số mã giảm vẫn chiếm ưu thế.

Đà hồi phục của VN-Index trong phiên sáng đến từ sự hỗ trợ của một số mã lớn như VNM, VIC, SAB, VJC, BID…

Bước vào phiên giao dịch chiều, ngay từ đầu phiên, lực cầu đã gia tăng mạnh ở một số mã lớn, nhất là VIC, MSN, BVH, SAB, VJC, VCB… giúp VN-Index nhanh chóng bật tăng mạnh, vượt qua mức đỉnh đóng cửa lịch sử xác lập phiên 22/3 khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm chiến tích lịch sử nữa trong phiên hôm nay, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), lực cung gia tăng khiến một số mã lớn như VIC, VNM, VJC mất mức giá cao nhất ngày, trong khi PVD lao xuống mức sàn, GAS quay đầu điều chỉnh khiến VN-Index hụt mất mốc đỉnh đóng cửa lịch sử. Dù vậy, phiên tăng mạnh hôm nay cũng giúp chỉ số này lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước.

Cụ thể, chốt phiên 26/3, VN-Index tăng 17,63 điểm (+1,53%), lên 1.171,22 điểm với 146 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 211,7 triệu đơn vị, giá trị 7.438 tỷ đồng, giảm 19,2% về khối lượng và giảm 4% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,82 triệu đơn vị, giá trị 1.629,55 tỷ đồng.

Như đã đề cập, trong phiên chiều nay, nhiều mã lớn khởi sắc, trong đó VIC lên mức giá trần 117.100 đồng, nhưng hạ nhiệt dần về cuối phiên, đóng cửa tăng 3,93%, lên 113.800 đồng với 4,68 triệu đơn vị được khớp.

VCB cũng tăng mạnh trong phiên chiều nay từ mức tham chiếu của phiên sáng, chốt phiên tăng 2,86%, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 71.900 đồng với 1,82 triệu đơn vị được khớp. Các mã ngân hàng khác cũng có mức giá cao nhất ngày khi đóng cửa như BID tăng 6,02%, lên 44.900 đồng, CTG tăng 2,43%, lên 35.800 đồng, MBB tăng 0,85%, lên 35.800 đồng, HDB tăng 4,07%, lên 43.700 đồng. VPB dù không giữ được mức cao nhất ngày, nhưng cũng đảo chiều thành công với mức tăng 0,94%, lên 64.300 đồng.

Trong khi đó, STB và EIB lại đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó STB giảm 0,63%, xuống 15.650 đồng với 10,95 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau HPG. EIB giảm 4,41%, xuống 14.100 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp.

EIB đóng cửa ở gần mức thấp nhất ngày sau thông tin cơ quan công an khám xét chi nhánh Ngân hàng Eximbank tại quận 1, TP.HCM đưa đi nhiều thùng tài liệu và bắt 2 nữ cán bộ của nhà băng này.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có GAS đảo chiều giảm 0,99%, xuống 129.600 đồng (mức giá thấp nhất ngày), còn lại đều tăng. Ngoài các mã đã kể trên, tăng mạnh còn có VNM tăng 0,72%, lên 208.500 đồng (mức cao nhất ngày 210.500 đồng), SAB tăng 3,74%, lên 244.200 đồng (mức giá cao nhất ngày là 245.000 đồng), MSN tăng trần lên 109.100 đồng và VJC cũng tăng mạnh 4,56%, lên 217.900 đồng.

Ngoài GAS, các mã dầu khí khác cũng giảm mạnh hôm nay, đặc biệt PVD lao xuống mức sàn 20.750 đồng, PLX giảm 2,47%, xuống 83.000 đồng.

HPG dù có lực cầu mạnh, giúp mã này có thanh khoản tốt nhất sàn với 11 triệu đơn vị được khớp, nhưng do khối ngoại bán ròng mạnh (bán ròng 3,67 triệu đơn vị), nên đóng cửa giảm 4,07%, xuống 58.900 đồng.

Trong khi đó, BVH và ROS lại tăng mạnh trong phiên chiều nay, trong đó BVH thậm chí có lúc đã lên mức trần 93.800 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 93.000 đồng, tăng 6,04%. Còn ROS cũng cũng leo lên mức cao nhất ngày 142.000 đồng, tăng 5,11%, dù có lúc trong phiên giảm tới 6%.

Phiên chiều nay cũng chứng kiến sự nổi sóng trở lại của cặp đôi ASM – IDI, trong đó IDI đóng cửa ở mức trần 13.650 đồng với 6,4 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần, còn ASM cũng tăng 6,47%, lên 10.700 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp.

TLD cũng đảo chiều ngoạn mục từ mức sàn 15.000 đồng lên mức 17.050 đồng, tăng 5,9%. Trong khi đó, APC có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp, xuống 35.250 đồng và NBB có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, xuống 22.100 đồng với dư bán sàn ở cả 2 khá lớn. Cũng có mức sàn còn có NVT, HRC, VID…

Trên HNX, sau khi mấy sắc xanh đáng tiếc trong phiên sáng, HNX-Index đã bật tăng mạnh ngay khi bước vào phiên chiều nhờ dòng tiền chảy mạnh, giúp sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, trong đó có nhiều mã lớn, đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Nếu không có sự lao dốc của nhóm dầu khí, HNX-Index thậm chí còn tăng mạnh hơn.

Cụ thể, chốt phiên đầu tuần, HNX-Index tăng 1,79 điểm (+1,36%), lên 133,67 điểm với 103 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,66 triệu đơn vị, giá trị 1.139,55 tỷ đồng, giảm 30,78% về khối lượng và 25,82% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,15 triệu đơn vị, giá trị 9,87 tỷ đồng.

Cùng với “những anh em” trên HOSE, PVS cũng có phiên bị bán mạnh và đóng cửa ở mức sàn 23.700 đồng với 18,33 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu về thanh khoản và còn dư bán sàn tới hơn 4 triệu đơn vị. Cũng giảm mạnh còn có PVC giảm 5,21%, xuống 9.100 đồng, PVB giảm 6,59%, xuống 15.600 đồng.

Trong Top 10 mã lớn nhất sàn HNX, ngoài PVS, còn có thêm VPI và NTP giảm giá, nhưng mức giảm nhẹ, DL1 đứng ở tham chiếu, còn lại đều tăng khá mạnh.

Cụ thể, ACB tăng 2,83%, lên 47.300 đồng với 2,8 triệu đơn vị được khớp, VCS tăng 6,03%, lên 246.000 đồng, SHB tăng 3,1%, lên 13.300 đồng với 13,43 triệu đơn vị được khớp, VGC tăng 3,31%, lên 25.000 đồng, VCG tăng 3,03%, lên 23.800 đồng, PVI tăng 1,2%, lên 42.000 đồng.

Đặc biệt, CEO khởi sắc phiên chiều nay khi đóng cửa ở mức trần 12.600 đồng với 3,58 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Hưởng ứng tín hiệu tích cực trên 2 sàn niêm yết, UPCoM cũng hồi phục trở lại trong phiên chiều nay với hàng loạt mã tăng giá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhóm dầu khí, nên đóng cửa chỉ tăng nhẹ.

Cụ thể, chốt phiên chiều, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,19%), lên 60,03 điểm với 103 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,56 triệu đơn vị, giá trị 1.120,44 tỷ đồng, tăng 150,4% về khối lượng và 99% về giá trị so với phiên trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản đột biến chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận với 52,36 triệu đơn vị, giá trị 850,32 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, các mã lớn đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, như SDI tăng 5,65%, lên 108.500 đồng, MCH tăng 4,48%, lên 98.000 đồng, ACV tăng 2,12%, lên 91.500 đồng, MSR tăng 4,45%, lên 30.500 đồng, HVN tăng 1,51%, lên 47.100 đồng, VIB tăng 1,8%, lên 39.500 đồng, LPB cũng đảo chiều tăng 1,3%, lên 15.600 đồng…

Trong khi đó, nhóm dầu khí cũng đều giảm như 2 sàn niêm yết. Cụ thể, BSR giảm 0,76%, xuống 26.000 đồng với 0,9 triệu đơn vị được khớp, OIL giảm 7,73%, xuống 19.100 đồng với 1,5 triệu đơn vị được khớp. Mã có thanh khoản tốt nhất sàn là POW với 1,9 triệu đơn vị, cũng giảm 1,88%, xuống 15.700 đồng.

Cơ hội để cổ phiếu midcap tỏa sáng
Việc lựa chọn cổ phiếu blue-chips có giá đã tăng mạnh hay nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp quy mô vừa (midcap) chưa tăng giá nhiều hiện vẫn khiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư