Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Phiên 27/2: Điều chỉnh rồi nhé!
Thanh Thuý - 27/02/2014 16:12
 
Trong phiên giao dịch chiều nay (27/2), một lần nữa, thị trường lại bị "úp sọt" giống như phiên phân phối ngày 20/2.

Phiên hôm nay tuy nhà đầu tư bị "úp sọt" nhưng đúng như dự đoán của các CTCK và chuyên gia với 3 phiên tăng điểm liên tiếp với mức tăng gần 20 điểm, thị trường cần có sự điều chỉnh để tạo thế cân bằng và giảm độ nóng.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng, các mã large cap như MSN, VNM, DPM, VIC và các cổ phiếu ngân hàng được kéo tăng giá, giúp VN-Index leo mạnh qua 596 điểm.

Tuy nhiên, dường như có chủ đích từ trước, ngay khi dùng các mã large cap để đẩy thị trường lên cao, tạo tâm lý hưng phấn giả tạo, kéo nhiều nhà đầu tư xuống tiền đua mua, thì lực bán ồ ạt xả ra trong phiên giao dịch chiều, khiến hàng trăm mã tụt dốc, trong khi nhiều nhà đầu tư đặt lệnh mua giá cao neo từ phiên sáng không kịp trở tay.

Diễn biến của thị trường cũng khiến cho các "tay chơi" tại FLC, ITA phải nao núng và 2 mã này không còn giữ được sắc tím khi kết thúc phiên.

Tuy nhiên, những mã large cap như VNM, VIC và các mã ngân hàng như VCB, BID, EIB, CTG, MBB trên HOSE hay ACB, SHB trên HNX vẫn được giữ xanh, giúp thị trường không bị đổ dốc, tạo tâm lý hoảng loạn không đáng có cho các nhà đầu tư đang say sưa với "giấc mơ đổi đời" của mình.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,02 điểm (-0,85%) xuống 584,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 225,21 triệu đơn vị, giá trị 3.492,04 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận hơn 2,17 triệu đơn vị, giá trị 115,69 tỷ đồng. VN30-Index giảm 5,17 điểm (0,77%), xuống 662,74 điểm.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,2%), xuống 82,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 110,82 triệu đơn vị, giá trị 1.061,69 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,73 triệu đơn vị, giá trị 33,48 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,42 điểm (-0,85%), xuống 164,84 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ được đà tăng điểm của phiên sáng như CTG, EIB, MBB, BID, VCB và dòng tiền đổ vào các mã này vẫn tăng đều. Trong đó, CTG khớp 5,15 triệu đơn vị, EIB khớp 4,43 triệu đơn vị, MBB khớp 6,2 triệu đơn vị, BID khớp hơn 3,7 triệu đơn vị và VCB cũng đã khớp hơn 1,6 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động sản không còn nóng như sáng nay. Áp lực xả hàng mạnh khiến các cổ phiếu tăng nóng như ITA, FLC, HAR không còn giữ được sắc tím. Trong khi đó, các mã “chú lùn” vẫn tăng trần như BT6, CIG, CNT, CTI, DCT, PPI…

ITA tiếp tục khớp thêm hơn 5 triệu cổ phiếu trong phiên chiều nâng tổng khối lượng khớp của ITA lên kỷ lục mới với 25,48 triệu đơn vị. Chốt phiên ITA chỉ tăng 300 đồng lên 8.000 đồng/CP.

FLC cũng lùi xuống mức 12.100 đồng/CP, tăng 400 đồng. Khối lượng khớp lệnh của FLC vẫn duy trì con số xấp xỉ của phiên hôm qua với 11,15 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm điểm mạnh nhất, chỉ có PXS tăng nhẹ, còn lại PTL, PXL, PXM đều giảm sàn. Trong đó, PTL khớp gần 4,2 triệu đơn vị, PXS cũng đã khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Áp lực xả hàng cũng lan sang cả sàn HNX khiến thanh khoản trên sàn cũng vụt tăng mạnh. Tiêu biểu là PVX, áp lực bán ra mạnh trong khi lực cầu chủ yếu ở giá thấp khiến PVX chốt phiên giảm nhẹ dưới mốc tham chiếu một bước giá và khối lượng khớp đạt trên 12,72 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHB vẫn duy trì mức tăng nhẹ 100 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 15,25 triệu đơn vị, vươn lên vị trí đứng đầu về thanh khoản trên sàn HNX. SHB và ACB tiếp tục là các cột đỡ cho chỉ số HNX-Index không giảm sâu, trong khi PVS lại đảo chiều giảm mạnh.

SCR tiếp tục lùi sâu với mức giảm 4,35% xuống còn 9.200 đồng/CP và cũng đã khớp 8,2 triệu đơn vị.

Ủy ban Chứng khoán bác bỏ thông tin nới room
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cho biết, các thông tin gần đây trên thị trường về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư