Sang phiên chiều, VIC tiếp tục nới rộng biên độ tăng, cùng sự khởi sắc của GAS, đã giúp VN-Index có thời điểm được kéo lên sát mốc tham chiếu sau khoảng 1 giờ giao dịch. Tuy nhiên, do lực cầu khá yếu trong khi áp lực bán vẫn mạnh, khiến chỉ số này chưa thể hồi phục và nhanh chóng quay về diễn biến lình xình ở mức chốt phiên sáng.
Đóng cửa, VN-Index giảm 1,58 điểm (-0,2%) xuống mức 803,77 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 157,4 triệu đơn vị, giá trị 3.389,61 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,12 triệu đơn vị, giá trị 1.414,4 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 27/9 |
Các cổ phiếu bluechip tiếp tục tạo sức ép lớn lên thị trường khi trong nhóm VN30 có tới 18 mã giảm và chỉ 9 mã tăng, VN30-Index giảm 2,74 điểm (-0,35%) xuống 788,31 điểm.
Trong đó, cặp đôi VIC và GAS đóng vai trò là các má phanh, góp phần tích cực giúp thị trường không quá trượt sâu. Cụ thể, VIC tiếp tục lập mức đỉnh mới khi tăng 3,44% lên mức 51.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động đạt 1,61 triệu đơn vị; còn GAS tăng 1,73% với khối lượng khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Trong khi đó, VNM đảo chiều giảm 0,1% sau 2 phiên hồi nhẹ, các mã lớn như VJC, MSN, BVH, BID, MWG… vẫn giao dịch trong sắc đỏ.
Hai cổ phiếu tạo sức ép lớn nhất vẫn là SAB và ROS, trong đó SAB xác lập phiên giảm điểm thứ 7 liên tiếp với mức giảm 1,16%, còn ROS dù đã thoát sắc xanh mắt mèo nhưng tiếp tục giảm mạnh 6,38%.
Bên cạnh diễn biến tiêu cực của nhiều mã lớn, nhóm cổ phiếu thị trường cũng chịu áp lực bán trong phiên chiều khiến nhiều mã đảo chiều giảm như HAG, HNG, VHG, SCR, ITA, HAR, KBC…, còn FLC, HQC, DLG… quay về mốc tham chiếu.
Cổ phiếu FIT tưởng chừng sẽ hồi phục thành công nhờ lực cầu hấp thụ mạnh trong phiên chiều, giúp cổ phiếu này tiến sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực bán dâng cao và diễn ra ồ ạt về cuối phiên đã đẩy FIT trở lại mức giá sàn 10.250 đồng/CP, giảm 6,8% với khối lượng khớp lệnh khủng đạt gần 22 triệu đơn vị.
Cũng giống sàn HOSE, diễn biến trên sàn HNX cũng lình xình dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.
Kết phiên, HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,36%) xuống 107,52 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 50,11 triệu đơn vị, giá trị 540,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,32 triệu đơn vị, giá trị 387,97 tỷ đồng, trong đó ngoài NTP thỏa thuận 3,2 triệu đơn vị, giá trị 236,63 tỷ đồng, còn có thêm 7,25 triệu cổ phiếu SHS thỏa thuận, với tổng giá trị 123,96 tỷ đồng.
ACB tiếp tục đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường. Sau 4 phiên tăng khá tốt, ACB đảo chiều giảm 1,6% và đóng cửa phiên hôm nay tại mức giá 30.100 đồng/CP, với khối lượng khớp 1,15 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí cũng diễn biến thiếu tích cực khi đồng loạt quay đầu đi xuống như PVS giảm 1,2%, PVC giảm 2,8%, PGS giảm 2,6%, PVB giảm 1,2%...
Cổ phiếu KLF vẫn giảm sàn và không có thêm giao dịch do vắng bóng lực cầu. Kết phiên, KLF giảm 9,9% với khối lượng khớp lệnh giữ ở mức 10,67 triệu đơn vị và dư bán sàn 8,42 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, nỗ lực cầm cự trong suốt phiên sáng đã bị dập tắt sau 30 phút giao dịch của phiên chiều khiến chỉ số sàn đảo chiều giảm điểm.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,16%) xuống 54,18 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,88 triệu đơn vị, giá trị 84,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,14 triệu đơn vị, giá trị 86,9 tỷ đồng.
Hai mã SWC và GEX tiếp tục dẫn đầu giao dịch trên sàn UPCoM. Trong đó, SWC tăng nhẹ 0,74% với khối lượng giao dịch đạt 630.300 đơn vị; còn GEX giảm 2,22% và chuyển nhượng thành công 618.400 đơn vị.
Nhiều cổ phiếu lớn như DVN, HVN, VOC, VIB, VGC, MSR… đều giảm điểm, là tác nhân chính khiến thị trường quay đầu đi xuống.
Trong khi đí, ART sau 3 phiên giảm khá mạnh đã lấy lại được cân bằng khi đứng giá tham chiếu 20.500 đồng/Cp với khối lượng giao dịch đạt 177.527 đơn vị.