Với diễn biến kém tích cực ở phiên giao dịch sáng, nhiều người đã nghĩ đến kịch bản xấu hơn trong phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều, điều bất ngờ đã xảy ra. Ngay sau giờ nghỉ trưa, lực mua bất ngờ gia tăng khiến lượng cung giá thấp nhanh chóng được hấp thu. VN-Index theo đó nhanh chóng hồi trở lại và kịp đảo chiều tăng điểm chỉ ít phút trước khi đóng cửa.
Kết phiên giao dịch 2/8, với 110 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index tăng 0,78 điểm (+0,08%) lên 953,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 212,46 triệu đơn vị, giá trị 4.326,31 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng, nhưng giảm 3% về giá trị so với phiên 1/8.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 38 triệu đơn vị, giá trị gần 556 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 3,34 triệu cổ phiếu VRE, giá trị 135 tỷ đồng; 3,17 triệu cổ phiếu TCB, giá trị 93,5 tỷ đồng; 1,295 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 80,3 tỷ đồng...
Với sức cầu tích cực, nhiều mã bluechips và vốn hóa lớn đã hồi phục trở lại. Các mã TCB, VCB, SSI, PLX, REE, VJC, PNJ, FPT, CTD... đều tăng ở mức cao nhất ngày, trong đó TCB tăng 3,4% lên 28.500 đồng, VCB tăng 0,7% lên 59.000 đồng, SSI tăng 1,2% lên 29.350 đồng, VJC tăng 2,1% lên 146.000 đồng, PNJ tăng 1,6% lên 95.500 đồng...
Trong khi đó, các đầu kéo GAS, VIC, VHM vẫn duy trì phong độ, trong đó GAS tăng 2,1% lên 91.000 đồng - là một trong những mã đóng góp tích cực nhất vào đà hồi phục của chỉ số.
Ngược lại, VNM là mã tạo lực cản lớn nhất lên VN-Index khi giảm 1,1% về 165.000 đồng. Nhóm ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu gây nhiều sức ép, nhưng nhờ sức cầu tốt nên đà giảm đã hạn chế đáng kể về cuối phiên. Mức giảm của BID, CTG, MBB, STB, VPB, HDB, TPB dao động từ 0,4-1%. EIB đứng giá.
Về thanh khoản, STB khớp lệnh 7,58 triệu đơn vị, nhiều nhất nhóm VN30. Các mã HPG, MBB, CTG, SSI, VPB, TCB, HSG khớp từ 3-6 triệu đơn vị. HPG và HSG cũng giảm điểm, nhưng không quá mạnh. Các mã VIC, VNM khớp trên 1 triệu đơn vị.
FLC và HAG vẫn là 2 mã "nóng" nhất thị trường với lượng khớp vượt trội so với phần còn lại, đạt 27,68 triệu 15,52 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm. FLC giảm 3,6% về 6.120 đồng, HAG giảm 2,8% về 6.900 đồng. HNG cũng giảm 0,3% về 16.90 đồng.
Ngoài 2 mã trên, sắc đỏ cũng phủ lên nhiều mã thị trường khác như HQC, SCR, HHS, HAI, GTN, AMD, KBC..., trong khi ITA, ASM, IDI, OGC, QCG, DLG... đã không còn giảm điểm. ITA khớp 9,6 triệu đơn vị, tăng 1,7% lên 2.930 đồng. ASM khớp 8,5 triệu đơn vị và về tham chiếu 13.800 đồng.
HCD và TDG cùng tăng trần, thanh khoản cao với cùng lượng khớp trên 2,3 triệu đơn vị. Với phiên tăng này (lên 10.250 đồng, +7%), TDG đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, trong đó có phiên giảm sàn ngày 1/8.
Trên sàn HNX, diễn giằng co mạnh diễn ra liên tục, song cũng tương tự HOSE, sàn này cũng kịp tăng điểm trong trước khi kết phiên. Thanh khoản giảm khá mạnh.
Đóng cửa, với 77 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,09 điểm (+0,09%) lên 105,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,75 triệu đơn vị, giá trị 534,55 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên 1/8.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,72 triệu đơn vị, giá trị 27,15 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 3,66 triệu cổ phiếu NVB ở mức giá trần 7.100 đồng, giá trị gần 26 tỷ đồng.
Sàn HNX thoát hiểm cuối phiên cũng nhờ vào sự hồi phục kịp thời của nhiều mã lớn như PVS, ACB, VCG, VGC, VC3...
Đáng chú ý, PVS tăng 2,8% lên 18.300 đồng, khớp lệnh 9,13 triệu đơn vị - dẫn đầu sàn, qua đó đóng góp tích cực nhất vào đà hồi phục của chỉ số.
ACB về tham chiếu 35.500 đồng và khớp 4,5 triệu đơn vị. SHB khớp 4,4 triệu đơn vị, nhưng giảm 1,2% về 7.900 đồng, trong khi NVB tăng 6,2% lên 6.900 đồng, khớp lệnh hơn 0,4 triệu đơn vị.
Khá nhiều mã mã nhỏ có được mức tăng trần như ACM, KVC, KSQ, SPI, S99..., nhưng thanh khoản không cao.
KLF phiên này giảm 4% về 2.400 đồng, khớp lệnh 3,34 triệu đơn vị. Trước đó, mã này có 5 phiên đứng giá liên tiếp dù thanh khoản cao.
Trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng sớm chìm trong sắc đỏ. Sự hồi phục cũng diễn ra khi nhận được tín hiệu từ 2 sàn niêm yết, nhưng vì sức cầu yếu nên mức độ hồi phục rất chậm, nên không thể tăng.
Đóng cửa, với 73 mã tăng và 75 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,23%) xuống 50,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 17,32 triệu đơn vị, giá trị 214,4 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên 1/8.
Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,76 triệu đơn vị, giá trị 88,25 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1,4 triệu cổ phiếu BAB, giá trị 28,7 tỷ đồng và 1,888 triệu cổ phiếu VT8, giá trị 47,57 tỷ đồng.