Nối tiếp xu hướng tăng của phiên hôm qua, các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục dẫn lối giúp thị trường giao dịch khởi sắc và nhanh chóng tiến vào vùng thử thách 1.000 điểm.

Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, áp lực bán đã dần xuất hiện khiến thị trường trở nên rung lắc, VN-Index đã để tuột mất ngưỡng kháng cự này và may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng nay.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau hơn 1 giờ giằng co quanh mốc 995 điểm, áp lực bán đã bất ngờ gia tăng mạnh khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Trên bảng điện tử, hàng trăm mã đã rơi xuống dưới mốc tham chiếu, trong đó nhóm VN30 cũng hầu hết đều suy giảm, khiến VN-Index rơi thẳng đứng về mức thấp nhất ngày khi để mất tới gần 12 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 207 mã giảm và chỉ 89 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 11,92 điểm (-1,19%) xuống 986,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 154,32 triệu đơn vị, giá trị 3.663,81 tỷ đồng, tăng 4,4% về lượng và 3,13% về giá trị so với phiên hôm qua (29/7).

Diễn biến VN-Index phiên 30/7
Diễn biến VN-Index phiên 30/7

Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 21 triệu đơn vị, giá trị hơn 650 tỷ đồng, trong đó TPB thỏa thuận 5,12 triệu đơn vị, giá trị 109,15 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 133 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 có tới 23 mã giảm và chỉ còn 2 mã tăng, trong đó SBT nhích nhẹ, còn SAB tăng 1,1% lên 281.000 đồng/CP nhờ kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế quý II/2019 đạt kỷ lục nhất từ trước đến nay.

Trái lại, phần lớn cổ phiếu khác trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường giảm khá mạnh, đáng kể là bộ 3 nhà Vin với VHM giảm 4,33% xuống mức thấp nhất ngày 3.800 đồng/CP, bất chấp doanh thu và lợi nhuận quý II và lũy kế 6 tháng ghi nhận con số tăng trưởng vượt trội; VIC giảm 1,53% xuống 122.500 đồng/CP; VRE giảm 2,45% và kết phiên tại mức giá thấp nhất 35.850 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đều giao dịch trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm không quá lớn hầu hết chỉ giảm trên dưới 1%.

Các mã bluechip khác cũng tạo gánh nặng cho thị trường như GAS giảm 1,8% xuống 109.000 đồng/CP, MSN giảm 1,36% xuống 79.900 đồng/CP, MWG giảm 2,17% xuống 103.700 đồng/CP, HPG giảm 2,71% xuống 21.500 đồng/CP…

Cổ phiếu ROS rung lắc và vẫn chưa thể hồi phục khi kết phiên giảm 0,36% xuống 27.300 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 11 triệu đơn vị. Đứng ở vị trí tiếp theo, HPG khớp 6,11 triệu đơn vị, AAA khớp 5,97 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chìm trong sắc đỏ. Trong đó, FLC giảm 0,73% xuống 4.080 đồng/CP và khớp 2,76 triệu đơn vị, KBC giảm 3,27% xuống 14.800 đồng/Cp và khớp 2,68 triệu đơn vị, DLG, SCR, ITA, LCG, HNG… cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu và khớp một vài triệu đơn vị.

Tương tự, sàn HNX cũng chìm trong sắc đỏ và HNX-Index bị đẩy lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,86 điểm (-0,82%) xuống 104,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 23,7 triệu đơn vị, giá trị 322,3 tỷ đồng, tăng 4,59% về lượng và 3,84% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 9,8 triệu đơn vị, giá trị 107,37 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đều giảm, cụ thể, ACB giảm 0,4% xuống 22.900 đồng/CP, DGC giảm 1,8% xuống 32.100 đồng/CP, PVS giảm 0,5% xuống 22.100 đồng/CP, PVI giảm 1,6% xuống 35.800 đồng/CP, SHB giảm 2,9% xuống 6.600 đồng/CP, VCG giảm 0,8% xuống 25.900. đồng/CP, VCS giảm 1,1% xuống 74.100 đồng/CP, NVB giảm 1,2% xuống 7.900 đồng/CP, PHP giảm 3% xuống 9.800 đồng/CP.

Trong đó, SHB là mã thanh khoản tốt nhất với 3,58 triệu đơn vị được khớp lệnh, tiếp theo là PVS khớp 2,26 triệu đơn vị, TNG khớp 2,18 triệu đơn vị, CEO khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà giảm cũng nới rộng hơn trong phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,75 điểm (-1,27%) xuống 58,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 13,68 triệu đơn vị, giá trị 300,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 734.481 đơn vị, giá trị 22,77 tỷ đồng.

Cổ phiếu GVR vẫn giao dịch sôi động nhất với 1,75 triệu đơn vị nhưng đã đảo chiều điều chỉnh giảm nhẹ 0,68% xuống 14.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực là tác nhân đẩy thị trường đi xuống như VGT giảm 4,08% xuống 9.400 đồng/CP, VEA giảm 5,36% xuống 60.000 đồng/CP, BSR giảm 3,54% xuống 10.900 đồng/CP, VGI giảm 3,2% xuống 30.200 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ đều không có hợp đồng nào được giao dịch ở phiên này.

Ngược lại, hợp đồng phái sinh VN30 vẫn giao dịch khá tích cực, trong đó mã VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 92.544 đơn vị được giao dịch thành công, khối lượng mở 19.973 đơn vị. Tuy nhiên, cả 4 hợp đồng phái sinh VN30 đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ duy nhất chứng quyền CVNM1901 tăng nhẹ, 1 chứng quyền CMWG1902 đứng giá và có tới 14 chứng quyền giảm. Về thanh khoản, CHPG1902 tiếp tục dẫn đầu với 33.640 đơn vị được giao dịch thành công, tiếp đến là CMBB1901 với 32.544 đơn vị.