Trong phiên sáng, diễn biến của VN-Index tương đồng với diễn biến của VIC và đóng cửa ở mức cao nhất phiên.

Trong phiên giao dịch chiều, sau ít phút lình xình, VN-Index bất ngờ bật tăng mạnh trong nửa cuối phiên nhờ dòng tiền chảy mạnh và sự khởi sắc của một số mã bluechip như VHM, VRE, HPG, MWG, PLX, BID…

Đà giảm của VIC, VCB và VNM chỉ khiến VN-Index hạ nhiệt trong đợt ATC, chứ không ngăn được chỉ số này trở lại sau phiên lao dốc trước đó.

Chốt phiên, VN-Index tăng 5,64 điểm (+0,57%), lên 991,66 điểm với 150 mã tăng và 167 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 172,88 triệu đơn vị, giá trị 4.995,5 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 42,3 triệu đơn vị, giá trị 2.290 tỷ đồng, chủ yếu là đến từ giao dịch của VNM với 9,4 triệu đơn vị, giá trị 1.162 tỷ đồng trong phiên sáng. Phiên chiều có thêm 2,52 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 309 tỷ đồng và 5 triệu cổ phiếu TPB giá trị 109 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 31/7
Diễn biến VN-Index phiên 31/7

Như đã đề cập, đà tăng của VN-Index nhờ sự hỗ trợ đắc lực của một số mã lớn, đặc biệt là sự khởi sắc của VHM khi tăng 5% lên 88.200 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp. Người anh em VRE cũng tăng mạnh 3,07% lên 36.950 đồng với 2,28 triệu đơn vị. Ngoài ra, HPG tăng 4,88% lên 22.550 đồng, mức cao nhất ngày với 6,54 triệu đơn vị được khớp. BID tăng 1,43% lên 35.500 đồng với hơn 0,9 triệu đơn vị được khớp. MWG tăng 2,99% lên 106.800 đồng với 0,68 triệu đơn vị được khớp.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến đà tăng của các mã MBB (+1,6%, lên 22.200 đồng), POW (2,17%, lên 14.100 đồng), FPT (+1,26% lên 48.400 đồng), PLX (+1,39% lên 65.500 đồng), CTG, BHN, PNJ…

Trong khi đó, 2 mã vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC và VCB vẫn chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không lớn. VIC giảm 0,41% xuống 122.000 đồng, VCB giảm 0,5% xuống 80.200 đồng. Ngoài ra, VNM cũng giảm nhẹ 0,24% xuống 123.200 đồng, SAB giảm 0,71% xuống 279.000 đồng…

Hai mã có thanh khoản tốt nhất sàn là 2 mã nhà FLC (ROS và FLC) với 9,5 triệu đơn vị, 7,98 triệu đơn vị và cùng đóng cửa giảm giá.

DLG chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ 2% lên 1.520 đồng, dù lúc sáng đã lên mức trần 1.590 đồng. Tổng khối lượng khớp đạt 4,48 triệu đơn vị. Trong khi đó, IJC duy trì mức trần 12.050 đồng với 2,36 triệu đơn vị và đóng cửa còn dư mua giá trần.

Trên HNX, những nỗ lực cuối phiên chỉ giúp HNX-Index tránh khỏi phiên giảm điểm tiếp theo, nhưng cũng không đủ để có sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index đứng ở mức tham chiếu 104,43 điểm với 73 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,7 triệu đơn vị, giá trị 104,43 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7 triệu đơn vị, giá trị 81,9 tỷ đồng.

Trên sàn này, đa số các mã lớn đều tăng giá, ngoại trừ ACB vẫn giảm 0,44% xuống 22.800 đồng, cản bước HNX-Index có sắc xanh. Tổng khối lượng khớp đạt 0,89 triệu đơn vị, đứng thứ 5 trên sàn. SHB cũng kịp về tham chiếu 6.600 đồng với 9,59 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản trên sàn.

Trong khi đó, VCS tăng 3,1% lên 76.400 đồng, VCG tăng 1,16% lên 26.200 đồng, PVS tăng 1,36% lên 22.400 đồng với 2,2 triệu đơn vị, PVI tăng 0,56% lên 36.000 đồng, NTP tăng 5,41% lên 39.000 đồng, VNR tăng 1,99% lên 20.500 đồng, SHS tăng 2,27% lên 9.000 đồng, PHP tăng 3,06% lên 10.100 đồng, CEO tăng 1,96% lên 10.400 đồng với 3,74 triệu đơn vị được khớp.

Đặc biệt, VCR vẫn duy trì sắc tím 19.600 đồng với 0,8 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.

Trên UPCoM, sau khi giao dịch trong sắc đỏ gần như suốt phiên sáng và nửa đầu phiên chiều, UPCoM-Index đã bật lên trong nửa cuối phiên chiều và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,78%), lên 58,89 điểm với 102 mã tăng và 80 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,47 triệu đơn vị, giá trị 383 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,36 triệu đơn vị, giá trị 79,7 tỷ đồng.

Trên thị trường này, ngoài GVR, phiên chiều có thêm BSR có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, GVR đứng ở mức tham chiếu 14.900 đồng với 2,18 triệu đơn vị được khớp, BSR giảm 1 bước giá xuống 10.900 đồng với 1,55 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, sắc xanh lại xuất hiện ở nhiều mã lớn, giúp UPCoM-Index đảo chiều thành công, như ACV, VEA, OIL, thậm chí tân binh VBB tăng trần lên 20.700 đồng.

Trên thị trường phái sinh, sau khi giảm mạnh hôm qua, tất cả các hợp đồng VN30 đều tăng mạnh trở lại trong phiên hôm nay. Trong đó, tăng mạnh nhất là VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 với mức tăng 1,2% lên 885 điểm với 92.561 hợp đồng được chuyển nhượng, hợp đồng mở 21.250 hợp đồng, tương đương với các phiên trước.

Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã niêm yết, có 6 mã giảm và 11 mã tăng, nhưng mức biến động giá không lớn. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG1902 với 407.780 đơn vị được chuyển nhượng.