Mở cửa phiên sáng nay 3/5, bất chấp thị giá nhiều cổ phiếu lớn đã giảm điểm mạnh sau chuỗi phiên lao dốc liên tiếp trước đó, việc bán ra tiếp tục được thực hiện trên diện rộng do nhà đầu tư lo ngại sức ép margin. Theo đó, các chỉ số tiếp tục công cuộc "đổ đèo", trong đó VN-Index đã lùi tiếp về mốc 1.000 điểm.

Tại mốc điểm này, cầu bắt đáy bắt đầu hoạt động, song vẫn còn khá dè dặt. Sự thận trọng khiến VN-Index phục hồi chậm và tạm dừng phiên giao dịch sáng với mức giảm hơn 14 điểm.

Tuy nhiên, thị trường đã chuyển biến rõ rệt trong phiên giao dịch chiều. Lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực giúp nhiều mã lớn quay đầu tăng điểm, các chỉ số nhờ đó hồi phục nhanh chóng, trong đó HNX-Index và UPCoM-Index đã quay đầu tăng điểm. Khá đáng tiếc là VN-Index chưa thể tăng do vẫn còn một số mã lớn như GAS, HSG, NVL còn giảm sàn. Dẫu vậy, lực cầu tốt đã giúp thanh khoản thị trường cải thiện tích cực.

Đóng cửa, với 125 mã tăng và 156 mã giảm, VN-Index giảm 2,62 điểm (-0,25%) về 1.026,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 203,56 triệu đơn vị, giá trị 6.585,05 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên 2/5.

Diễn biến VN-Index phiên 3/5
Diễn biến VN-Index phiên 3/5

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,59 triệu đơn vị, giá trị gần 1.486 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của hơn 4 triệu cổ phiếu MBB ở mức giá trần, giá trị hơn 125 tỷ đồng; 2,54 triệu cổ phiếu FPT ở mức giá trần, giá trị gần 155 tỷ đồng; 4,43 triệu cổ phiếu NVL ở mức giá xanh, giá trị hơn 264 tỷ đồng; 2,96 triệu cổ phiếu HCM ở mức giá đỏ, giá trị hơn 208 tỷ đồng...

Sức cầu bắt đáy hoạt động tích cực tại nhóm cổ phiếu bluechips giúp nhiều mã trong nhóm này quay đầu tăng điểm, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng. Trong 9 mã ngân hàng  niêm yết trên HOSE, ngoại trừ TPB đứng giá tham chiếu, 8 mã còn lại đều tăng. Trong đó, các mã CTG, VCB, HDB và MBB là tích cực nhất.

CTG tăng 6,4% lên 29.000 đồng; HDB tăng 3,6% lên 43.500 đồng; MBB tăng 3,2% lên 30.250 đồng; VCB tăng 2,4% lên 59.600 đồng. Về thanh khoản, CTG khớp 9,43 triệu đơn vị, cao nhất nhóm đồng thời dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp theo là STB với 7,67 triệu đơn vị, MBB là 6,6 triệu đơn vị.

Các mã lớn khác như BVH, FPT, VNM, SAB, PLX... cũng tăng khá tốt để hỗ trợ chỉ số. ROS phiên này duy trì sắc xanh khá vững trong suốt phiên giao dịch, song thanh khoản khá thấp.

Ngược lại, các mã HSG, NVL và đặc biệt là GAS vẫn nằm sàn, tạo sức ì lớn cho chỉ số. GAS chốt phiên tại mức giá 96.500 đồng (-6,9%), NVL là 54.200 đồng (-6,9%) và HSG là 14.550 đồng (-6,7%).  HSG khớp 8,39 triệu đơn vị, còn NVL và GAS cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Trong khi các mã lớn có sự hồi phục tốt thì sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế tại các mã nhỏ, với các mã giảm điểm như FLC, HAG, ITA, HHS, DIG, DLG, HAI... Ở phía ngược lại, các mã SCR, DXG, ASM, KBC, HNG, QCG... đã có được sắc xanh. Nhìn chung, thanh khoản nhóm này không thực sự cao. Khớp lệnh lớn nhất trong nhóm là ASM với hơn 7 triệu đơn vị, trong khi các mã vốn có thanh khoản cao như FLC, SCR, DXG chỉ khớp từ 3-5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhiều mã trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bất động sản - xây dựng... cũng đã quay đầu tăng điểm, góp phần đưa chỉ số HNX-Index bật mạnh lên mức cao nhất ngày, thanh khoản cũng tăng trở lại.

Đóng cửa, với 65 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index tăng 1,53 điểm (+1,27%) lên 122,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,51 triệu đơn vị, giá trị 704 tỷ đồng, tăng 9% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên 2/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 33,67 tỷ đồng.

Cả ACB và SHB cùng ghi nhận sự tích cực. Trong khi, ACB ghi dấu ấn bằng điểm số với mức tăng 3,6% lên 43.500 đồng (ACB khớp 3,69 triệu đơn vị), thì SHB gây chú bằng thanh khoản với lượng khớp hơn 13 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn (SHB tăng 0,9% lên 11.000 đồng). Tuy nhiên, NVB vẫn giảm 1,1% xuống 9.400 đồng, thanh khoản yếu.

Các mã PVS, SHS, VGC, PVI, MBS... cũng tích cực. PVS tăng 3% lên 16.900 đồng và khớp 4,18 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HNX, còn SHS và VGC cùng khớp trên 1 triệu đơn vị. DST khớp thứ 2 sàn HNX với 5,38 triệu đơn vị, song đứng giá tham chiếu 4.500 đồng.

MAS và KVC cùng giảm sàn về tương ứng 58.400 đồng và 2.000 đồng. Với MAS, đây là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, còn KVC chuỗi không tăng đã kéo dài sang phiên thứ 8 (trong đó có 2 phiên giảm sàn). KVC khớp 1,06 triệu đơn vị.

Các mã CEO và VCG giảm điểm, trong đó CEO giảm mạnh 8,6% về 13.800 đồng, VCG giảm 4% về 16.900 đồng, khớp tương ứng 3,75 triệu và 1,4 triệu đơn vị.

HUT đứng giá tham chiếu 7.200 đồng, khớp lệnh 2,83 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà phục hồi chỉ thực sự tốt trong thời điểm cuối phiên, song cũng giúp chỉ số UPCoM-Index lên mức cao nhất ngày. Tuy nhiên, thanh khoản sàn này sụt giảm mạnh.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,32%) lên 56,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,67 triệu đơn vị, giá trị 233 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên 2/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,02 triệu đơn vị, giá trị 45,65 tỷ đồng.

Trong số 10 mã thanh khoản cao nhất sàn, chỉ có VIB, DVN và OIL là tăng điểm, SBS đứng giá, còn lại đều giảm. Ngoại trừ OIL khớp lệnh 1,01 triệu đơn vị (tăng 1,9% lên 16.300 đồng), 3 mã không giảm thì thanh khoản đều khá thấp.

3 mã khớp lệnh tốt nhất sàn là LPB với 4,5 triệu đơn vị, POW là 1,7 triệu đơn vị và BSR là 1,6 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm. LPB giảm 2,7% về 14.300 đồng, POW giảm 2,2% về 13.300 đồng, BSR giảm 3,7% về 18.400 đồng.

Trong 10 phiên gần nhất, BSR có 8 phiên giảm (2 phiên tăng), POW có 6 phiên giảm (1 phiên tăng, 3 phiên đứng giá), LPB có 7 phiên giảm (3 phiên tăng), còn OIL có tới 9 phiên giảm liên tiếp.