Sang phiên giao dịch chiều, đà tăng tiếp tục được nới rộng và đặc biệt, trong đợt khớp ATC, dòng tiền chảy mạnh đã giúp VN-Index leo lên mức cao nhất trong phiên chiều. Tuy nhiên, thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt khiến chỉ số này thêm một lần nữa lỗi hẹn với mốc 725 điểm.
Đóng cửa, VN-Index tăng 1,76 điểm (+0,24%) lên 724,14 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 214,3 triệu đơn vị, giá trị 4.378,98 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 27,17 triệu đơn vị, giá trị 548,62 tỷ đồng. VN30-Index tăng 2,34 điểm (+0,34%) lên 699,07 điểm với 15 mã tăng, 12 mã giảm và 3 mã đứng giá.
Diễn biến VN-Index phiên 4/4 |
HNX-Index tăng 0,24 điểm (+0,26%) lên 91,16 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 52,98 triệu đơn vị, giá trị 596,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,46 triệu đơn vị, giá trị 25,36 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,54 điểm (+0,33%) lên 166,08 điểm với 13 mã tăng, 12 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Trong đó, điểm tựa chính là các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt. Bên cạnh MBB đứng giá tham chiếu, CTG đảo chiều giảm nhẹ, thì VCB và BID đều thu hẹp đà tăng với biên độ 1% và 0,29%, điểm sáng STB cũng chỉ còn tăng hơn 1% và chỉ chuyển nhượng thêm 2 triệu đơn vị trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng khớp lệnh lên 14,36 triệu đơn vị.
Trụ cột VNM tiếp tục tạo gánh nặng lên thị trường. Dù nhận được sự hậu thuẫn của nhà đầu tư ngoại khi mua ròng 0,84 triệu đơn vị nhưng cổ phiếu VNM vẫn không thể hồi phục. Với mức giảm 0,2%, VNM đóng cửa tại mức giá 144.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng kìm hãm đà tăng của thị trường như GAS giảm 0,73%, MSN giảm 1,46%, MWG giảm 0,6%, BMP giảm 3,02%, CTD giảm 0,73%...
Trái lại, cùng với 2 mã lớn ROS và SAB lấy lại trạng thái cân bằng khi quay về mốc tham chiếu, các cổ phiếu bluechip khác như VIC, BVH, FPT, HSG cũng leo lên mức giá cao nhât ngày, đã hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường.
Cặp đôi lớn ngành thép HSG và HPG tiếp tục ghi nhận chuỗi ngày khởi sắc cùng giao dịch sôi động, cụ thể, HSG tăng 3,9% và khớp 3,72 triệu đơn vị, còn HPG tăng 1,1% và khớp hơn 7,7 triệu đơn vị.
Mặc dù chỉ số 2 sàn đều diễn biến đi ngang và không có nhiều biến động cùng sự phân hóa nhẹ của nhóm cổ phiếu bluechip nhưng thị trường vẫn đón nhận nhiều điểm nóng.
Trong đó, trên sàn HOSE, ngoài PDR tiếp tục sóng tăng, các mã nhỏ trong nhóm bất động sản như CIG, PPI, PTC cũng có được sắc tím.
Đáng chú ý, cổ phiếu thị trường TTF biến động khá mạnh trong phiên. Sau khi đảo chiều giảm ngay đầu phiên chiều, TTF đã bật ngược và tăng kịch trần lên mức giá 8.020 đồng/CP, tăng 6,9% với khối lượng khớp lệnh hơn nửa triệu đơn vị và còn dư mua trần 20.130 đơn vị.
Mới đây, CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát, cổ đông lớn của TTF thông báo đã bán xong 36,23 triệu cổ phiếu TTF. Sau giao dịch, Tân Liên Phát đã giảm sở hữu tại TTF từ hơn 43,22 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 29,9% vốn điều lệ xuống còn 7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,83%, qua đó không còn là cổ đông lớn của TTF kể từ ngày 31/3.
Trên sàn HNX, bộ đôi ACB và SHB vẫn là điểm nhấn. Mặc dù chịu sức ép từ khối ngoại khi bán ròng hơn 2,5 triệu cổ phiếu nhưng SHB tiếp tục nới rộng đà tăng, với biên độ 3,45% lên mức giá 6.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thành công đạt 14,68 triệu đơn vị. Còn ACB duy trì đà tăng 1,2% lên mức 25.300 đồng/CP và khớp 4,28 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu họ dầu khí vẫn chưa thấy điểm hồi. Đáng kể, PVS giảm sâu 3,4%, xuống mức giá 16.900 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 3,59 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh HUT hồi phục tích cực với mức tăng 2,2% thì VCG cũng đã thu hẹp đà giảm, thậm chí có thời điểm đảo chiều, với biên độ giảm nhẹ 0,6%, đóng cửa tại mức 15.600 đồng/CP và cùng có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, diễn biến chỉ số sàn lình xình đi ngang trong suốt phiên chiều do thiếu lực đỡ từ các cổ phiếu lớn. Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,61%) xuống 57,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,2 triệu đơn vị, giá trị 77,06 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,24 triệu đơn vị, giá trị 47,19 tỷ đồng.
Các cổ phiếu nhóm hàng không vẫn giao dịch tiêu cực như HVN giảm gần 3,1% xuống mức thấp nhất ngày 28.200 đồng/CP, SAS giảm 0,39%, ACV giảm 0,59%, NAS giảm 0,7%. Bên cạnh đó, FOX vẫn duy trì đà giảm sâu 5,16%, đứng tại mức giá 90.000 đồng/CP.
Trái lại, cặp đôi MCH và MSR đều có được sắc xanh nhưng mức tăng khá hạn chế chỉ 100-200 đồng/CP.