Bất chấp phiên tăng khá mạnh cuối tuần trước, tâm lý nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần mới 5/11 không mấy tích cực khi chịu tác động từ thị trường trong khu vực giảm khá mạnh khiến sắc đỏ trở lại ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Nỗ lực níu giữ mốc 920 điểm bất thành, thị trường tiếp tục bị đẩy lùi sâu hơn về cuối phiên sáng đầu tuần 5/11 trước áp lực bán gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng 1 giờ lình xình quanh mốc 916 điểm, lực cầu đã nhập cuộc tích cực giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ trong khoảng 10 phút sau đó, chỉ số VN-Index đã dành lại mốc 920 điểm.

Bất ngờ đã xẩy ra trong đợt khớp lệnh ATC khi lực cầu gia tăng mạnh và nhắm tới nhóm cổ phiếu bluechip, đã tạo điểm tựa giúp thị trường đảo chiều hồi phục sắc xanh.

Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 129 mã tăng và 137 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,67 điểm (+0,07%) lên 925,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 136,55 triệu đơn vị, giá trị 3.168,6 tỷ đồng, giảm 38,59% về lượng và 27,68% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,43 triệu đơn vị, giá trị 740,44 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 5/11
Diễn biến VN-Index phiên 5/11

Diễn biến trên sàn HNX cũng khá giống sàn HOSE, tuy nhiên có phần kém may mắn hơn khi chưa lấy lại được sắc xanh.

Kết phiên, HNX-Index thu hẹp đà giảm còn 0,21 điểm (-0,2%) xuống 105,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 30,36 triệu đơn vị, giá trị 454,15 tỷ đồng, giảm 20,57% về lượng và 15,55% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,47 triệu đơn vị, giá trị 44,52 tỷ đồng, trong đó riêng NVB thỏa thuận gần 3,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 33 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có diễn biến tích cực hơn so với phiên sáng khi có tới 15 mã tăng và chỉ còn 9 mã đứng dưới mệnh giá. Trong đó, các mã lớn như VNM, GAS cũng thu hẹp đà giảm so với phiên sáng, với VNM giảm 1,7% xuống 116.500 đồng/CP, còn GAS giảm nhẹ 0,4% xuống 102.300 đồng/CP.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết đã hồi phục với BID tăng 1,1% lên 32.800 đồng/CP, TCB tăng 0,9% lên 26.850 đồng/CP, VCB tăng 0,5% lên 56.500 đồng/CP, MBB tăng 0,2% lên 21.850 đồng/CP, VPB tăng 1% lên 21.200 đồng/CP.

Ngoài ra, trong nhóm VN30 còn có một số mã lớn cũng đã lấy lại thăng bằng như VIC, CTG, HPG, hoặc khởi sắc như SAB, MSN, ROS, VJC, PLX.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, OGC vẫn nóng khi được nhà đầu tư mua vào mạnh trong khi bên bán vắng bóng. Đóng cửa, OGC giữ sắc tím với khối lượng khớp 6,23 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,4 triệu đơn vị. Tương tự, FIT cũng trong tình trạng dư mua trần 198.520 đơn vị.

Trên sàn HNX, trong nhóm HNX30, 2 mã bất động sản VCS và VGC tăng khá tốt, cụ thể VCS tăng 2,44% lên 79.900 đồng/CP, VGC tăng gần 4,5% lên mức 16.300 đồng/CP

Bên cạnh đó, PVI, PVS đã đảo chiều tăng điểm nhưng còn khá hạn chế; VCG, SHB lấy lại mốc tham chiếu, hay ACB, DGC thu hẹp đà giảm, cũng góp phần giúp thị trường thu hẹp đà giảm.

Trong đó, PVS là mã thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 4,2 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức 19.100 đồng/CP, tăng 2,14%; tiếp đó là SHB khớp 3,43 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, dù có thời điểm được kéo lên sát mốc tham chiếu nhưng áp lực bán thường trực khiến chỉ số UPCoM-Index chưa thể thoát khỏi phiên đỏ điểm.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,37%) xuống 51,55 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 121,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 491.011 đơn vị, giá trị 18,58 tỷ đồng.

Không có mã nào có khối lượng giao dịch tới 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với 980.100 đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa vẫn dưới mốc tham chiếu, giảm 0,62% đứng tại 16.100 đồng/CP.

Còn lại các mã đều có khối lượng dưới nửa triệu đơn vị.