Sang phiên chiều, lực cầu thấp khiến VN-Index tiếp tục nới rộng đà giảm điểm, xuống dưới mốc 805 điểm. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 30 phút giao dịch thiếu tích cực, thị trường đã dần hồi phục và nhanh chóng vượt qua mốc tham chiếu nhờ lực cầu gia tăng dần, trong khi lực cung giá thấp được tiết giảm mạnh, nhất là ở nhóm VN30.
Đà tăng tiếp tục được nới rộng về cuối phiên, nhưng do sự vắng bóng của dòng tiền, nên VN-Index không thể leo lên ngưỡng 810 điểm, thậm chí không giữ được mức điểm cao nhất ngày.
Đóng cửa phiên cuối tuần 6/10, sàn HOSE khá cân bằng với 120 mã tăng/123 mã giảm, VN-Index tăng 2,57 điểm (+0,32%) lên 807,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 132,95 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.703,59 tỷ đồng, giảm 10,42% về lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13 triệu đơn vị, giá trị 276,6 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 6/10 |
Trong khi đó, sàn HNX tiếp tục giao dịch khởi sắc với sắc xanh lan tỏa, đã kéo chỉ số HNX-Index lên mức cao nhất ngày và tiến sát đỉnh mới 108 điểm.
Kết phiên, sàn HNX có 90 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 1,02 điểm (+0,95%) lên 107,98 điểm. Thanh khoản cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 48,72 triệu đơn vị, giá trị 591,27 tỷ đồng, tăng 4,77% về lượng và 8,38% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 63,58 tỷ đồng, trong đó SHS thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 40,2 tỷ đồng.
Trong khi các mã vốn hóa lớn như VNM, SAB, MSN, GAS, VIC đang diễn biến tăng giảm nhẹ quanh mốc tham chiếu, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành điểm sáng trong phiên chiều nhờ lực cầu gia tăng mạnh, đóng vai trò là lực đỡ chính cho thị trường.
Cụ thể, sau chút rung lắc về cuối phiên sáng, VCB đã hồi phục và tăng hơn 0,9%, CTG cũng đảo chiều tăng 1,06%, BID duy trì mức tăng nhẹ 0,25%, STB tăng 1,7%, VPB tăng 0,9%, MBB tăng 4,5%. Các mã này đóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh khá lớn, đặc biệt MBB đứng thứ 3 toàn thị trường với khối lượng khớp 7,23 triệu đơn vị.
Bên cạnh SAB hồi nhẹ, “người anh em” cùng họ BHN đã có màn lội ngược dòng ngoạn mục sau phiên giảm sàn ngày hôm qua. Dù trong phần lớn thời gian, BHN vẫn đứng dưới mốc tham chiếu nhưng cổ phiếu này đã bứt phá mạnh về cuối phiên và leo lên mức giá 130.000 đồng/CP, tăng 5,1%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ITA đã lấy lại sắc xanh dù đà tăng còn hạn chế 0,25% và đã chuyển nhượng thành công 13,49 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Trong khi HAI duy trì sắc tím với lượng khớp 3,43 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 5 tiệu đơn vị, thì AMD chính thức ngắt nhịp tăng khi quay đầu giảm 3,2% và khớp 827.710 đơn vị.
Trên sàn HNX, cổ phiếu ngân hàng ACB cũng tăng mạnh, hỗ trợ tốt cho thị trường với mức tăng 2,62% và khớp 2,76 triệu đơn vị.
Thêm vào đó, các mã LAS, VCG, PVC, PVS, PVI, VC3… tiếp tục khởi sắc và nới rộng đà tăng, cũng góp phần giúp thị trường tiến bước.
Cổ phiếu KLF vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp 9,56 triệu đơn vị và duy trì mức giá 4.100 đồng/CP, tăng 2,5%. Tiếp đó, PVX tăng 4% và khớp 5,75 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, hòa cùng niêm vui chung của thị trường, sắc tím ngập sàn bảng điện tử giúp chỉ số sàn này đã đảo chiều thành công về cuối phiên phiên.
Đóng cửa, toàn sàn UPCoM có 66 mã tăng và 42 mã giảm, trong đó có tới 34 mã tăng trần.
Chỉ số UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,17%) lên 54,1 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,68 triệu đơn vị, giá trị 123,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,13 triệu đơn vị, giá trị 30,33 tỷ đồng, trong đó LPB thỏa thuận 1,46 triệu đơn vị, giá trị 17,74 tỷ đồng.
Cổ phiếu ART có chút chút “trắc trở” trong phiên sáng do áp lực bán gia tăng, tuy nhiên lực cầu hấp thụ mạnh đã nhanh chóng trở lại trong phiên chiều, giúp ART dành lại sắc tím cùng giao dịch tăng vọt. Cụ thể, ART tăng 14,8% lên mức giá trần 25.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu toàn sàn đạt 1,56 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, LPB tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm 2,82% và khối lượng giao dịch chỉ đứng sau ART với gần 1,2 triệu đơn vị.