Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phiên 6/4: OGC suýt chạm sàn, VN-Index tiếp đà giảm
Trần Lê - 06/04/2015 15:24
 
Với sức khỏe ốm yếu hiện nay, không khó hiểu khi thị trường nhanh chóng gục ngã trước nguy cơ lượng hàng bắt đáy khá lớn trong phiên thứ Tư tuần trước về tài khoản đã đủ lãi để chốt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hơn 21 triệu cổ phần Licogi sắp bung hàng
SHS “soán ngôi” ACBS trên thị phần môi giới
Sau kiểm toán, lợi nhuận QCG giảm tới 42%

Dường như thời gian nghỉ trưa 90 phút chưa đủ để thị trường tỉnh giấc, nên khi bước vào phiên giao dịch chiều, diễn biến ảm đạm như ru ngủ tiếp tục diễn ra. Bên nắm giữ tiền mặt không dám xuống tay vì thị trường hiện đang được nhận định là có rủi ro cao. Trong khi đó, bên nắm giữ cổ phiếu cũng không muốn vội vã bán ra, đẩy thị trường vào cơn hoảng loạn, gây khó khăn cho việc thoát hàng.

Bên cạnh đó, tâm lý lo sợ lượng cung hơn 161 triệu đơn vị trong phiên lao dốc thứ Tư tuần trước về tài khoản đã có lãi và sẵn sàng để tung ra, khiến nhà đầu tư càng trở nên thận trọng hơn.

Dù lượng 161 triệu đơn vị không lớn, nhưng trong bối cảnh thị trường bị siết dòng tiền như hiện nay, với tổng khối lượng giao dịch bình quân trên 2 sàn dưới 140 triệu đơn vị, thì lượng cung trên khá lớn so với khả năng hấp thụ của thị trường. Vì vậy, sự lo lắng này là có cơ sở.

Ngoài ra, thông tin Oceanbank tiếp tục thay Chủ tịch HĐQT lần thứ 3 sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái cũng để lại cho nhà đầu tư chút gì đó không an tâm. Cụ thể, cổ phiếu OGC đã bị bán mạnh trong phiên hôm nay, có thời điểm xuống mức giá sàn 4.600 đồng trước khi đóng cửa ở mức giá 4.700 đồng với hơn 1,92 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ, dù mức giảm không mạnh, chỉ còn MBB và BID giữ được mức tham chiếu.

Trở lại với diễn biến của thị trường, sau khi cầm cự trong nửa đầu phiên giao dịch chiều, về cuối phiên, nhận thấy bên mua không mặn mà, bên nắm giữ cổ phiếu sợ không kịp đua với lượng cổ phiếu bắt đáy nên cũng nhanh chân thoát trước, kéo thị trường giảm sâu về cuối phiên, VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày. Thanh khoản không được cải thiện so với phiên sáng khi tổng giá trị khớp lệnh trên 2 sàn chưa tới 1.200 tỷ đồng.

Cụ thể, VN-Index giảm 4,88 điểm (-0,89%), xuống 542,97 điểm. Tổng khối lượng khớp đạt 54,7 triệu đơn vị, giá trị 857,59 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 17 triệu cổ phiếu, giá trị 706,38 tỷ đồng được sang tay trong phiên thỏa thuận.

Ngoài VNE trong phiên sáng, phiên thỏa thuận chiều ghi nhận sự đột biến ở MSN với gần 6,45 triệu đơn vị, giá trị 480,19 tỷ đồng. Độ rộng của thị trường trên HOSE tiếp tục được nới rộng theo hướng tiêu cực với 85 mã tăng, trong khi có tới 132 mã giảm. Nhóm VN30 cũng chủ yếu là sắc đỏ, chỉ có 2 mã còn duy trì được đà tăng là HVG và REE.

Diễn biến VN-Index phiên 6/4
Diễn biến VN-Index phiên 6/4

Tương tự, HNX-Index cũng chỉ cầm cự được sắc xanh trong khoảng 40 phút của phiên giao dịch chiều trước khi quay đầu giảm điểm và đóng cửa trong sắc đỏ khi mất 0,33%, tương đương 0,27 điểm, xuống 81,66 điểm. Tổng khối lượng khớp đạt 23,5 triệu đơn vị, giá trị 304,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận trong phiên chiều trên sàn này cũng diễn ra khá sôi động với 7,29 triệu đơn vị, giá trị 132,72 tỷ đồng với sự góp mặt của PVS và SDA.

Diễn biến HNX-Index phiên 6/4
Diễn biến HNX-Index phiên 6/4

Ngoài OGC và nhóm ngân hàng, lực bán mạnh cuối phiên cũng kéo nhiều mã bluechip giảm giá, thậm chí đứng ở mức giá thấp nhất ngày như VNM, VIC, MSN, DPM, GAS, BVH…  

FLC cũng đóng cửa với mức đáy của ngày đầu tuần 10.300 đồng, giảm 2,83% với 5,3 triệu đơn vị được khớp. Tương tự, HAI cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 10.400 đồng, giảm 5,45% với 3,96 triệu đơn vị được khớp, thấp hơn mức giá mà FLC mua riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu HAI gần 17%.

Trong khi đó, DCM đang trở thành đối thủ cạnh tranh của các mã thị trường trên HOSE khi mới lên sàn, mã này thường góp mặt trong top các cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất HOSE. Trong phiên hôm nay, DCM tăng 2,99%, lên 13.800 đồng với 2,64 triệu đơn vị được khớp, chỉ đứng sau HAG và cặp đôi FLC - HAI.

Trên HNX, ngoài KLF của phiên sáng, chỉ có thêm 4 mã nữa gia nhập “câu lạc bộ triệu đơn vị” trong phiên chiều là FIT, SHB, PVS và CEO. Ngoài trừ SHB ở tham chiếu, 4 mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là KLF với 4,44%.

Tuy nhiên, thảm cảnh nhất trong phiên hôm nay là SHN khi mã này bị bán tống bán tháo, trong khi rất ít người dám mua vào. Kết thúc phiên, SHN chỉ được khớp chưa tới 90.000 đơn vị, trong khi còn dư bán giá sàn và ATC tới hơn 4,5 triệu đơn vị.

Một điểm tích cực có thể giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước vững tâm hơn trong phiên ngày mai là khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay. Trên HOSE, khối này mua ròng gần 2,8 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 41,2 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại mua ròng hơn 1,3 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 14,8 tỷ đồng.

Ngoài việc dòng tiền bị siết lại, thì hiện đang có một lực cản vô hình nào đó khiến thị trường khó có thể đảo chiều đi lên một cách chắc chắn, trong khi chỉ cần thông tin không tích cực nhỏ, cũng như động thái bán ròng của khối ngoại, cũng đã khiến thị trường phải lao đao.

Tâm lý nhà đầu tư nhạy cảm với tin đồn

Bất chấp những thông tin vĩ mô tích cực trong thời gian qua về GDP quý I/2015 và chỉ số PMI tháng 3, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá bất ổn khiến thị trường chứng khoán tiếp tục có tuần giảm điểm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư