Bước vào phiên giao dịch chiều, diễn biến không có gì đáng chú ý khi VN-Index chỉ lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp do sự thận trọng vẫn được nhà đầu tư đề cao. Sau hơn 45 phút giao dịch của phiên chiều, VN-Index một lần nữa bị đẩy trở lại mốc tham chiếu và chớm sắc đỏ.
Tuy nhiên, với sự khởi sắc kịp thời của VIC khi cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường này tăng mạnh, cùng với sự hỗ trợ của một số mã lớn khác, đã kéo VN-Index tăng thẳng đứng leo lên mức cao nhất ngày khi chốt phiên hôm nay. Dù vậy, sự thận trong của nhà đầu tư khiến thanh khoản đứng ở mức thấp nhất gần 3 tháng.
Cụ thể, chốt phiên 11/4, VN-Index tăng 4,04 điểm (+0,41%), lên 985,95 điểm với 161 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 129,48 triệu đơn vị, giá trị 2.614 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,89 triệu đơn vị, giá trị 308,9 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 11/4 |
VIC thực sự là “vị cứu tinh” của VN-Index trong phiên chiều nay khi bất ngờ tăng mạnh lên mức cao nhất ngày 115.000 đồng, tương đương tăng 2,86%. Tuy nhiên, thanh khoản không quá cao khi chỉ có hơn 350.000 đơn vị được khớp.
Phụ giúp với VIC kéo VN-Index lên cao còn có VHM với mức tăng 1,08% lên 93.500 đồng, MSN tăng 1,15% lên 87.700 đồng. Trong khi đó, các mã khác chỉ biến động trong biên độ hẹp với sắc xanh nhạt tại VNM, SAB, CTG, VJC, NVL, MBB, FPT, trong khi GAS, VCB, BID, VRE, PLX, BVH… chỉ giảm nhẹ.
Có thanh khoản tốt nhất hôm nay là AAA và ROS với hơn 7,8 triệu đơn vị được khớp, nhưng biến động giá lại trái ngược. Trong khi AAA tăng 2,16% lên 18.900 đồng, thì ROS giảm 2,02% xuống 31.450 đồng.
Hôm nay cũng ghi nhận vài con sóng đơn lẻ tại QCG, GTN, KSH, VHG. Trong đó, VHG tiếp tục lên trần 1.320 đồng với dư mua tới hơn 2,4 triệu đơn vị và chỉ được khớp chưa tới 0,4 triệu đơn vị do ít có lệnh bán. KSH được khớp gần 1 triệu đơn vị và lên trần 1.340 đồng, còn dư mua trần. QCG khớp hơn 2,6 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 6.360 đồng và vẫn còn dư mua giá trần…
Nhóm cổ phiếu thủy sản sau thông tin Mỹ 0% với 31 doanh nghiệp tôm Việt Nam cũng không có nhiều biến động. Cổ phiếu VHC tăng 1,51% lên 94.000 đồng, nhưng thanh khoản thấp. FMC cũng chỉ tăng 2,36% lên 30.400 đồng với chỉ hơn 216.000 đơn vị được khớp.
Trong khi đó, HVG có lúc lên mức trần 8.120 đồng, nhưng không thể giữ được sắc tím trong phiên thứ 2 liên tiếp khi đóng cửa ở mức 8.050 đồng, tăng 6,06% với 2,56 triệu đơn vị được khớp.
Đúng như đánh giá của Đầu tư Chứng khoán trong phiên hôm qua, những con sóng tại các mã nhỏ không kéo dài lâu. PPI sau khi lên mức trần 1.000 đồng với thanh khoản đột biến hơn 2 triệu đơn vị hôm qua, phiên hôm nay đã bị đẩy trở lại mức sàn 930 đồng với tổng khớp chỉ hơn 0,8 triệu đơn vị.
Tương tự, PXS cũng nhanh chóng bị đẩy lại mức sàn 5.510 đồng trong phiên hôm nay với chưa đầy nửa triệu đơn vị được khớp, sau khi tăng trần lên 5.920 đồng trong phiên hôm qua.
Cổ phiếu TDG cũng quay đầu giảm 2,08% xuống 3.300 đồng với chỉ hơn 0,6 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, việc ACB đóng cửa với sắc xanh cũng giúp HNX-Index thoát khỏi phiên giảm điểm, nhưng mức tăng của ACB không mạnh như VIC, nên sắc xanh của HNX-Index cũng nhạt hơn VN-Index.
Chốt phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,14 điểm (+0,13%), lên 107,57 điểm với 73 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,34 triệu đơn vị, giá trị 303 tỷ đồng, giảm 32,7% về khối lượng và 33,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,16 triệu đơn vị, giá trị 48,3 tỷ đồng.
ACB tăng nhẹ 0,33% lên 30.300 đồng với hơn 0,9 triệu đơn vị được khớp. Cùng với ACB hỗ trợ cho HNX-Index còn có VCG tăng 0,37% lên 27.000 đồng với chỉ 0,36 triệu dơn vị, SHB tăng 1,33% lên 7.600 đồng với 1,65 triệu đơn vị. Trong khi đó, PVS quay đầu giảm 1,72% xuống 22.800 đồng với 2,9 triệu đơn vị; VCS giảm 0,15%, xuống 67.600 đồng; PVI giảm 0,77% xuống 38.900 đồng và VGC đứng giá tham chiếu 19.600 đồng.
ART tiếp tục là mã có sức hút lớn sau PVS với 2,4 triệu đơn vị được khớp, nhưng hôm nay đóng cửa ở tham chiếu 3.200 đồng, chứ không tăng mạnh như hôm qua.
TNG sau thông tin tích cực từ tài liệu Đại hội đồng cổ đông vừa công bố có mức tăng khá tốt 1,73% lên 23.500 đồng với hơn 0,85 triệu đơn vị được khớp.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index sau khi bị đẩy xuống mức đáy của ngày trong nửa phiên đầu buổi chiều đã nỗ lực trở lại, nhưng không kịp về tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,13%), xuống 56,49 điểm với 85 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,65 triệu đơn vị, giá trị 191 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,78 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.
Phiên hôm nay không có mã nào có thanh khoản đến 1 triệu đơn vị trên thị trường UPCoM. Các mã có thanh khoản trên nửa triệu đơn vị là BSR, HVN, GEG, TOP và C4G. Trong đó, chỉ có C4G đóng cửa tăng 1,82% lên 11.200 đồng sau thông tin được thu phí tại BOT Thái Nguyên – Chợ Mới.