Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phình to miếng bánh kinh doanh hàng miễn thuế
Anh Hoa - 30/12/2020 10:03
 
Việc liên tục tìm kiếm địa điểm mở cửa hàng miễn thuế ở Việt Nam của Lotte PK Duty Free cho thấy, miếng bánh kinh doanh hàng miễn thuế đang ngày càng hấp dẫn với các tay chơi.
Cửa hàng miễn thuế dưới phố đầu tiên của miền Bắc dự kiến mở tại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) vào quý III/2021. Ảnh: Đ.T
Cửa hàng miễn thuế dưới phố đầu tiên của miền Bắc dự kiến mở tại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) vào quý III/2021. Ảnh: Đ.T

Cửa hàng dưới phố

Các địa điểm kinh doanh hàng hóa miễn thuế thường lộ diện ở sân bay, trên chuyến bay, cảng biển, ga tàu... Trong đó, thị trường miễn thuế tại sân bay được quan tâm nhất, với nhiều lợi thế như không gian mua sắm rộng lớn, hàng hóa đa dạng và lượng khách du lịch khổng lồ.

Thế nhưng Covid-19 đã buộc các tên tuổi trong lĩnh vực này phải tính toán lại theo hướng phát triển thêm cửa hàng miễn thuế trong khu trung tâm thành phố (downtown duty-free).

Nếu mô hình cửa hàng miễn thuế truyền thống được đặt ở các sân bay, thì downtown duty-free có mặt tại các trung tâm thương mại ngay trong các thành phố lớn, khu du lịch. Đối tượng của downtown duty-free cũng vẫn là phục vụ du khách nước ngoài, những người được hưởng chính sách ưu đãi thuế...

Adroit Market Research dự đoán, thị trường kinh doanh hàng hóa miễn thuế trên toàn cầu sẽ đạt giá trị 112,75 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,5%. Hàn Quốc, Italy, Thụy Sỹ... đang tập trung phát triển cửa hàng downtown và cửa hàng outlet. Tại Hàn Quốc, năm 2019, doanh thu các downtown duty-free đạt hơn 18,2 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2018.

Đó là lý do mà ông “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) quyết bắt tay với Lotte PK Duty Free để mang cửa hàng miễn thuế “xuống phố”, với kỳ vọng hút hơn 20 triệu lượt du khách tới Hà Nội mỗi năm.

IPPG và đối tác là Công ty DFS đã khai thác kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Nội Bài gần 20 năm nay. Liên doanh này đã phục vụ hơn 10 triệu lượt du khách mỗi năm. IPPG cũng đã hợp tác với Công ty Lotte PK Duty Free để kinh doanh tại các sân bay quốc tế như Cam Ranh, Đà Nẵng và Nội Bài. Liên doanh này đã phục vụ hơn 13 triệu lượt du khách ghé thăm và mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế trong năm 2019.

Downtown duty-free đầu tiên của miền Bắc sẽ mở tại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) vào quý III/2021. Sau Hà Nội, IPPG sẽ triển khai một cửa hàng miễn thuế downtown khác tại Đà Nẵng.

Các cửa hàng này sẽ giúp giải quyết bài toán du khách có tiền đến Việt Nam không biết tiêu gì ngoài các sản phẩm thủ công giá trị thấp. Bên cạnh đó, việc này cũng thu hút thêm nhiều du khách phân khúc cao cấp đến Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn.

So với cửa hàng duty-free tại sân bay, mô hình trong phố có thể khắc phục được hạn chế về mặt bằng, thời gian mở cửa, đảm bảo hiệu quả kinh doanh hơn.

Kỳ vọng từ phân khúc xa xỉ

IPPG cho Lotte PK Duty Free thuê 1.600 m2 tầng 6 tại Tràng Tiền Plaza, trong thời gian 10 năm. Điều này cho thấy động thái đón đầu nhu cầu mua sắm trở lại của du khách quốc tế đến Việt Nam khi Covid-19 được kiểm soát.

Không chỉ vậy, thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng hàng đầu khu vực khi tầng lớp trung lưu, thu nhập hàng chục ngàn USD một năm ngày càng tăng nhanh. Đây cũng là một yếu tố để các doanh nghiệp tên tuổi đầu tư mạnh hơn.

Thực tế, hiện là thời điểm rất thử thách đối với lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Trong khi doanh số ở một số lĩnh vực kinh doanh có thể tăng cao, thì vẫn có những lĩnh vực bị suy giảm đáng kể và các nhà bán lẻ phải tính việc đóng cửa tại các địa điểm ít sinh lời.

Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường bán lẻ hàng xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định, bởi dù lượng khách du lịch quốc tế có giảm mạnh, nhưng nhu cầu nội địa không sụt giảm nhiều. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở giai đoạn thay đổi quyết định, với GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng nội địa là rất lớn.

Ông Anthony Selwyn, Trưởng Bộ phận Bán lẻ toàn cầu của Savills cho biết, trong nhiều năm, thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp rất quan trọng vào hoạt động kinh doanh toàn cầu của các nhãn hàng cao cấp. Đây là khu vực cho thấy sự phục hồi tích cực sau Covid-19, thúc đẩy sự mở rộng và đầu tư nhiều hơn.

Khu vực này chiếm 38,9% thị phần toàn cầu trong hoạt động khai trương các cửa hàng cao cấp trong 10 tháng năm 2020, tăng đáng kể so với con số 31,8% của năm 2019. Đây là năm đầu tiên, thị trường châu Á - Thái Bình Dương vượt qua châu Âu.

Nhộn nhịp người chơi

Hiện thị trường hàng miễn thuế Việt Nam chủ yếu được khai thác bởi các doanh nghiệp nội địa. Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đang độc chiếm mảng kinh doanh duty free tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong quý III/2020, trong các mảng kinh doanh của SASCO, doanh thu bán hàng tại cửa hàng miễn thuế giảm hơn 90%. Từ vị trí chiếm gần 50% tổng doanh thu của Công ty với gần 300 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, chuỗi cửa hàng miễn thuế chỉ thu về 19 tỷ đồng cho SASCO trong quý này và đây là lĩnh vực có tỷ trọng đóng góp thấp nhất.

Ngoài SASCO, một số đơn vị khác đang khai thác dịch vụ kinh doanh hàng miễn thuế tại Sân bay quốc tế Nội Bài và Sân bay quốc tế Đà Nẵng như Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài (NASCO) và liên kết giữa Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (TASECO) với Japan’s Jalux cũng đang gặt hái được doanh thu khá lớn từ mảng kinh doanh này. Đây là cơ hội để nhà bán lẻ miễn thuế hàng đầu thế giới đến từ Hàn Quốc là Lotte PK Duty Free tham chiến.

Việc mở cửa hàng miễn thuế dưới phố nói trên sẽ trở thành điểm kinh doanh thứ 5 của tên tuổi này ở Việt Nam. Mặc dù chưa đưa ra tính toán về doanh thu đạt được, song tại 4 địa điểm hiện hữu, Lotte PK Duty Free đều tính toán sẽ đạt mức doanh số 100 - 200 triệu USD sau 10 năm hoạt động.

Mục tiêu của Lotte là trở thành đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế hàng đầu tại Việt Nam, góp phần khiến thị trường kinh doanh hàng miễn thuế hoạt động ngày càng nhộn nhịp hơn.

Lợi thế của Lotte là có thể tự tìm kiếm được nguồn khách khi có hơn 220 đại lý du lịch trên toàn cầu. Năm ngoái, gần một nửa lượng khách quốc tế (3 triệu trong tổng 6,8 triệu lượt khách) đến Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh là do Lotte mang tới.

Mặc dù vậy, nếu Covid-19 còn diễn biến phức tạp và Việt Nam vẫn tiếp tục phải đóng cửa với du khách quốc tế, thì các tên tuổi này sẽ triển khai kế hoạch ra sao?

“Chúng tôi không mở ngay. Chắc phải đến tháng 9/2021 mới có khách quốc tế quay lại. Chúng tôi cần có thời gian để thiết kế sao cho hoàn hảo nhất. Để xây dựng downtown duty-free phải mất 8 tháng là ít, các thương hiệu phải bay sang, họ cần cân - đong - đo - đếm cụ thể”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Trong khi đó, ông Park Seok Won, CEO của Lotte PK Duty Free khẳng định: “Một năm đang đi qua với nhiều khốn khó vì Covid-19, nhưng Lotte PK Duty Free tuyệt đối không từ bỏ tiềm năng phát triển kinh doanh tại Việt Nam”.

Thực tế, Lotte đang nhanh chóng chạy đua cùng đối thủ hàng miễn thuế “đồng hương” Hàn Quốc là Shilla để mở rộng hoạt động của mình ra nước ngoài trong những năm gần đây, trong bối cảnh thị trường trong nước bắt đầu bão hòa. Lotte hiện là doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng miễn thuế lớn thứ ba thế giới, sau Dufry A.G của Thụy Sĩ và DFS của Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Hàn Quốc khai thác thị trường bán lẻ miễn thuế của Việt Nam.

Hiện tại, theo quy định, chỉ du khách quốc tế mới được mua hàng và hưởng chính sách thuế ưu đãi ở cửa hàng miễn thuế. Để bù đắp lượng du khách quốc tế thiếu hụt, IPPG đang đề xuất chính sách cho phép người Việt mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế dưới phố này.

“Tôi đang xin chủ trương cho phép được trả thuế để phục vụ nhu cầu của khách hàng Việt Nam tại cửa hàng miễn thuế như hàng nhập khẩu. Nếu thực hiện được, ngân sách cũng sẽ hưởng lợi. Tại sao cứ để người Việt Nam phải mua hàng ở nước ngoài”, Chủ tịch IPPG nói.

Tuy nhiên, đề xuất trên không dễ được đáp ứng.

Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước, song việc Lotte PK Duty Free đang rất nỗ lực tìm kiếm thị trường cho thấy, Việt Nam đang trở thành thị trường kinh doanh hàng miễn thuế tiềm năng.

Với kỳ vọng hút 20 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, nếu doanh thu cửa hàng miễn thuế ở sân bay đạt 1 triệu USD, thì cửa hàng miễn thuế trong khu trung tâm có thể đạt 50 triệu USD và tỷ suất lợi nhuận có thể gấp chục lần. Nếu mỗi lượt khách quốc tế chi 100 USD thì cửa hàng miễn thuế thu về 2 tỷ USD.

- Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)
Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế
Người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư