Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Phó Thống đốc: Ngân hàng không ngại rót vốn cho nông nghiệp công nghệ cao
T.L - 06/02/2017 21:45
 
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định, ngành ngân hàng rất quan tâm đến các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
TIN LIÊN QUAN
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Chia sẻ tại Họp báo về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 6 diễn ra hôm nay (6/2), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tại Tây Nguyên, đặc biệt là các dự án nông nghiệp.

Theo Phó Thống đốc, thời gian qua, thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, đồng bào dân tộc thiểu số... có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực như: phát triển các loại hình cây công nghiệp ngắn ngày (cà phê, cao su, hồ tiêu...), phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp phát huy thế mạnh của vùng, góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo ổn định an ninh – quốc phòng tại khu vực Tây Nguyên.

Đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 120.605 tỷ đồng, tăng 24% so với 31/12/2015, cao hơn mức tăng trưởng huy động toàn nền kinh tế (huy động vốn toàn nền kinh tế đạt 17,85%). Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2015, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn quốc (tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 18,39%).

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ngành Ngân hàng rất quan tâm đầu tư nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên để phát triển kinh tế như chương trình, điển hình như chương trình cho vay đối với cây cà phê. Đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng 13,53% so với 31/12/2015 (chiếm 92,4% dư nợ cho vay đối với ngành cà phê toàn quốc).

Về chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, NHNN đã có văn bản số 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015 chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020. Diện tích tái canh theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT khoảng 120.000 ha. NHNN dành khoảng 12.000-15.000 tỷ đồng tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Những năm qua, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên luôn có sự tham gia của NHNN và các ngân hàng thương mại. Tháng 5/2015, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng phối hợp NHNN, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên. Tại Hội nghị, có 8 ngân hàng thương mại tham gia ký kết 19 dự án, thỏa thuận hợp tác đầu tư vào khu vực Tây Nguyên với tổng số tiền ngân hàng dự kiến tài trợ vốn vào khu vực lên tới gần 15.000 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, nhiệt điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi… Đến ngày 30/09/2016, theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đã triển khai cho vay 11 dự án với doanh số cho vay lũy kế là 2.898,9 tỷ đồng, dư nợ là 1.933,9 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chương trình cho vay khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu như lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư