Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Khắc phục mọi khó khăn triển khai Chương trình phục hồi nhanh hơn
Nguyễn Lê - 09/06/2022 15:36
 
Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, chất vấn trong hai ngày rưỡi qua.
.
Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.

Chiều 9/6, theo phân công của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn trong hai ngày rưỡi qua.

Thực hiện Chương trình phục hồi nhanh hơn

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, vấn đề được đại biểu rất quan tâm, Phó thủ tướng cập nhật, đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33.500 tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22.600 tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch); Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Phó thủ tướng cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn , triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất.

Trong đó, hoàn thành, ban hành 4 văn bản trong tháng 6/2022, gồm: hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu; phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công; hướng dẫn việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để tiếp tục thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet; sửa đổi Thông tư hướng dẫn về chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó thủ tướng nhấn mạnh, nhận thức rõ trách nhiệm, thời gian tới, Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.

Trong đó yêu cầu các bộ, ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Cụ thể, đối với Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Thông tư về giám sát, đánh giá thực hiện. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững là 3 Thông tư hướng dẫn các nội dung mô hình giảm nghèo, kiểm tra đánh giá, dạy nghề, việc làm và về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp.

Còn đối với Chương trình nông thôn mới là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét duyệt địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình chuyên đề ; 02 Thông tư về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chương trình.

Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dám nghĩ, dám làm; chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương và quy định liên quan theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước.

Về đầu tư công, theo Phó Thủ tướng, đúng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm; 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Ông Minh cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để giải ngân nhanh, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; kịp thời có ý kiến với UBND cấp tỉnh để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2022.

Hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022

Báo cáo về công tác quy hoạch, nội dung được Quốc hội giám sát tối cao tại kỳ họp này, Phó thủ tướng nêu rõ, tiến độ lập quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu do quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập dù đã được tháo gỡ bằng Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhưng Luật Quy hoạch qua giám sát tối cao của Quốc hội cho thấy còn nhiều chồng chéo, bất cập, chưa rõ ràng, còn cách hiểu khác nhau (như: nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia; khái niệm về tích hợp quy hoạch; thứ tự lập quy hoạch, kinh phí lập quy hoạch, thông tin, dữ liệu phục vụ quy hoạch…).

Chính phủ cơ bản thống nhất về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu  trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là: thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có mâu thuẫn theo hướng giảm bớt một số thủ tục; sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch mà chưa được bố trí vốn và các quy hoạch được điều chỉnh; điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch; áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để lập các quy hoạch mà chưa lựa chọn được nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021- 2030. Trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết nghị tại Kỳ họp này làm cơ sở giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Phó thủ tướng nói.

Ông khẳng định, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội và tiếp tục đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Một số mốc thời gian cũng được ông Minh đề cập là hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia trong năm 2023.

"Các vị đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ cho 10 năm vừa qua ta chỉ làm được 31 quy hoạch, còn 104 quy hoạch nữa phải hoàn thành trong thời gian tới, bảo đảm chất lượng", Phó thủ tướng trình bày.

Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, Phó thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế.

Trong đó tập trung tiếp tục rà soát, triển khai quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế; bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm gắn với việc thực hiện Đề án định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.  

Triển khai hiệu quả các chương trình, chiến lược, đề án về cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với bảo đảm nguồn lực và thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, Phó Thủ tướng báo cáo Quốc hội.

Sau khi trình bày báo cáo, Phó thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư