Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Tăng trưởng kinh tế là "điểm sáng"
Thế Hoàng - 21/05/2018 12:22
 
Một trong những ”điểm sáng” của nền kinh tế đất nước được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: “”điểm sáng” là tăng trưởng Quý 1/2018 cao nhất trong 10 năm qua
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Sáng nay (21/5), Quốc hội đã có phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 5, khoá XIV.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã thay mặt Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và ước thực hiện năm 2017.

Trong những tháng cuối năm  2017, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỷ USD (đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Bước vào năm 2018, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, tìm các lĩnh vực còn dư địa để có giải pháp thúc đẩy phát triển; tổ chức các Hội nghị toàn quốc về: phòng chống thiên tai, thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, logistics, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng. Ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các lĩnh vực trọng yếu và giải quyết những vấn đề cấp bách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình trọng điểm quốc gia; phát triển doanh nghiệp, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo...

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2018 tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD.

Một trong những ”điểm sáng” của nền kinh tế đất nước được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 41.295 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký ước đạt 412.028 tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Nếu tính cả 749 nghìn tỷ đồng của gần 12,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2018 là 1.161 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 11.442 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2017; số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh là 26.277 doanh nghiệp, giảm 4,1%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 4.699 doanh nghiệp, tăng 15,8%.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV kéo dài trong 20 ngày, xem xét thông qua 8 dự án luật
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng ngày 21/5/2018. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư