Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 10 năm 2024,
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Ninh Thuận hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo
Hoàng Anh - 18/10/2019 11:52
 
Trong chuyến đi thị sát một số dự án năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phát triển nguồn điện phải gắn với năng lực giải toả công suất.

10 dự án giảm phát đến 60% công suất

Ngày 17/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận  về tình hình phát triển điện lực và giải pháp giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh cho biết, tính đến hết tháng 9/2019, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh là khoảng 1.150 MW, trong đó điện mặt trời (ĐMT) khoảng 1.040 MW, điện gió 110 MW.

Về thực hiện đầu tư các nguồn điện, theo quy hoạch phê duyệt, tổng công suất các nguồn điện tại tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 khoảng 4.040 MW (không tính 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng triển khai). Nếu tính cả các dự án điện gió và ĐMT đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch là trên 5.800 MW.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra Tổ hợp Nhà máy Điện gió và Điện mặt trời Trung Nam ở huyện Thuận Bắc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra Tổ hợp Nhà máy Điện gió và Điện mặt trời Trung Nam ở huyện Thuận Bắc.

Tính đến 30/6/2019, tỉnh Ninh Thuận đã vận hành thương mại 19 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 1.050 MW, trong đó 15 dự án ĐMT (công suất 971 MW) và 4 nhà máy điện gió (công suất 79,4 MW). Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận bổ sung Trung tâm Điện lực Cà Ná công suất 6.000 MW, gồm 4 nhà máy điện khí sử dụng khí LNG nhập khẩu, vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Về thực hiện các dự án lưới điện giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hoàn thành 3 công trình lưới điện 220 kV và 5 công trình lưới điện 110 kV; tỉnh cũng đang chuẩn bị đầu tư 3 công trình lưới điện 500 kV, 5 công trình lưới điện 220 kV và 6 công trình lưới điện 110 kV. Để giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục các dự án lưới điện truyền tải (bổ sung xây dựng mới 11 dự án, điều chỉnh tiến độ, quy mô 4 dự án); trong đó, có 9 dự án lưới điện 500 kV, 220 kV tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện tại tỉnh có 10 dự án điện với tổng công suất 359 MW phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (215 MW). Ước tính đến 30/6/2019, 10 dự án này phải giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh gây thiệt hại cho chủ đầu tư khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình hình này còn tiếp tục đến cuối năm 2019 sẽ phải giảm phát khoảng 224 triệu kWh, gây thiệt hại khoảng 479,4 tỷ đồng.

Trước thực trạng này, tỉnh Ninh Thuận đề nghị phương án lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy ĐMT tại khu vực Thuận Nam với quy mô công suất 450 MW kết hợp với đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải 500 kV đấu nối và truyền tải công suất các nhà máy khu vực lân cận vào hệ thống điện quốc gia.  

Phát triển nguồn điện phải gắn với năng lực giải toả công suất

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống của người dân. Ninh Thuận cũng đã tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao …  Đặc biệt, tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế riêng có để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo; trong hơn một năm đã có hơn 1.000 MW năng lượng gió, mặt trời, qua đó, đóng góp lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với tiềm năng riêng có của tỉnh, Ninh Thuận hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. “Trong thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục tranh thủ thời cơ, khai thác lợi thế, vượt qua khó khăn để phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có nhiều Dự án năng lượng tái tạo nhiều nhất cả nước.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có nhiều dự án năng lượng tái tạo nhiều nhất cả nước.

Phó thủ tướng yêu cầu, tỉnh Ninh Thuận cần tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, kết hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, chú ý đến các ngành kinh tế chủ lực và dự án quan trọng. Đối với quy hoạch điện phải bám sát vào quy hoạch chung của ngành Điện Việt Nam và khả năng truyền tải điện để khai thác hết hiệu quả. Lưu ý cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, bổ sung quy hoạch các dự án đã thống nhất chủ trương, trong đó có cả dự án Trung tâm Điện lực Cà Ná để có tính khoa học, tính thực tiễn để đưa vào quy hoạch điện VIII trước khi triển khai thực hiện. Kiểm soát chặt chẽ xây dựng, quy hoạch phát triển nguồn điện trên địa bàn tỉnh.

Về phát triển các dự án điện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh Ninh Thuận phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch. Phát triển nguồn điện phải gắn với phát triển hệ thống truyền tải để đảm bảo giải toả được công suất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ phát triển nguồn điện, tránh phong trào.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sớm đề nghị điều chỉnh Quy hoạch điện VII, đồng thời xây dựng Quy hoạch điện VIII. EVN phối hợp với các nhà đầu tư để đảm bảo các nhà máy nguồn điện phải gắn với truyền tải, giải toả công suất. “EVN chỉ ký hợp đồng mua điện với các nhà đầu tư khi đảm bảo điều kiện giải toả công suất. Nếu không, đây sẽ là thất thoát rất lớn cho doanh nghiệp, cho xã hội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thuỷ điện tích năng Bác Ái; yêu cầu các nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước sớm hoàn thiện các thủ tục bổ sung quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai Trung tâm Điện lực Cà Ná; Nhà máy ĐMT Thuận Nam và các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Trong chuyến công tác, Phó Thủ tướng cũng thị sát khu quy hoạch dự án điện khí LNG Cà Ná với quy mô 6.000 MW và tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo ĐMT và điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên của Việt Nam, được hòa lưới trong năm 2019, đánh dấu bước tiếp cận mới cho chủ trương phát triển năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận. Tổ hợp gồm trang trại điện gió 4.000 tỷ đồng và ĐMT 6.000 tỷ đồng, được đấu nối trực tiếp với hệ thống điện quốc gia thông qua trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm.

2 dự án lớn tại Ninh Thuận được vinh danh giải thưởng kiến trúc uy tín thế giới
Ninh Thuận đang là một trong những vùng đất thu hút đầu tư phát triển du lịch bậc nhất. Hàng chục dự án quy mô nhiều nghìn tỷ đồng đang hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư