Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục đại học không thể đi ngược xu thế quốc tế
Như Chính - 31/03/2016 19:11
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đổi mới, phát triển giáo dục đại học cần theo đúng xu thế quốc tế, không thể “vin” vào đặc thù để đi ngược, làm khác những gì đã có tính phổ quát trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển giáo dục ĐH cần theo đúng xu thế quốc tế, không thể “vin” vào đặc thù để đi ngược, làm khác những gì đã có tính phổ quát trên thế giới. Ảnh VGP/Đình Nam
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển giáo dục đại học cần theo đúng xu thế quốc tế, không thể “vin” vào đặc thù để đi ngược, làm khác những gì đã có tính phổ quát trên thế giới. Ảnh VGP/Đình Nam

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đại học Cần Thơ, sáng 31/3, Phó thủ tướng nhấn mạnh: Những bất cập trong chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý, quản trị đại học đặt ra đòi hỏi phải đổi mới giáo dục đại học mạnh mẽ, căn bản, toàn diện như Nghị quyết Trung ương 29 đã xác định.

Trước hết, các trường đại học phải thực sự tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính trên cơ sở xóa bỏ “chủ quản”. Theo Phó thủ tướng, tiến trình này cần được thực hiện với quyết tâm cao, vượt qua những rào cản ngay từ trong trường đại học tương tự xóa bỏ “chủ quản” đối với doanh nghiệp nhà nước những năm đầu Đổi mới.

Gắn liền với tự chủ là trách nhiệm giải trình nhằm nâng cao chất lượng đầu ra cùng cơ chế đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao của các đối tượng chính sách, người nghèo.

Phó thủ tướng khẳng định: Tự chủ không có nghĩa là nhà nước không  tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, nhưng chắc chắn không tiếp tục đầu tư theo kiểu cào bằng, không căn cứ hiệu quả.

Nêu thực tế lâu nay giáo dục đại học chỉ chú trọng “siết chặt” đầu vào, không chú ý đúng mức tới đầu ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là nguyên nhân tạo ra tâm lý tất cả để “vượt vũ môn”, vào được đại học là chắc chắn sẽ tốt nghiệp nên nhiều sinh viên không nỗ lực học tập. Đây cũng là một yếu tố góp phần làm giảm động lực nghiên cứu và giảng dạy của chính các thầy cô giáo.

Để khắc phục tình trạng này cần tăng cường quản lý chất lượng đầu ra gắn với đánh giá, thừa nhận của xã hội, của người sử dụng lao động, của đối tác quốc tế.

“Có ý kiến cho rằng để các em vào đại học rồi lại phải lưu ban hay không tốt nghiệp sẽ là sự lãng phí lớn với nhiều gia đình, nhất là gia đình nghèo. Nhưng nếu các kỹ sư, cử nhân không đủ chất lượng, không có việc làm thì sự lãng phí đó không chỉ ở một số gia đình mà toàn xã hội”, Phó thủ tướng phân tích.

Khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học đóng vai trò quyết định tới chất lượng đào tạo, Phó thủ tướng yêu cầu những trường đại học,  nhất là đại học nghiên cứu như Đại học Cần Thơ tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Từ đó vừa nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và uy tín của nhà trường, vừa thổi vào sinh viên niềm đam mê khoa học, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.

Các trường đại học cần có tiêu chí rất cụ thể về nghiên cứu khoa học như số công trình được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín, số sáng chế... phục vụ  đánh giá giảng viên, đánh giá sinh viên.

“Đây là một thách thức lớn đối với tuyệt đại đa số các trường đại học ở Việt Nam. Một nguyên nhân lớn thường được đề cập là do hạn chế về đầu tư, điều đó đúng nhưng nguyên nhân không kém phần quan trọng là do các trường và các cơ quan quản lý giáo dục còn thiếu định hướng phát triển lâu dài cho các trường đại học nghiên cứu”.

Phó thủ tướng lưu ý: Đổi mới, phát triển giáo dục đại học cần theo đúng xu thế quốc tế, không thể “vin” vào đặc thù để đi ngược xu thế, làm khác những gì đã có tính phổ quát trên thế giới. Từ hệ thống, khung trình độ, mô hình quản trị, đến phương thức đào tạo, kiểm định, xếp hạng, học liệu số... cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách cầu thị, khoa học.

Trò chuyện với sinh viên Đại học Cần Thơ, Phó thủ tướng chia sẻ: Đất nước không thể mãi nghèo, mãi tụt hậu. Để vượt lên, nhất định phải có đội ngũ cán bộ khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp và thực sự giỏi về cả chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm, nhất là công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm.

“Tấm bằng đại học, thậm chí là tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ sẽ là không đủ, không ý nghĩa nếu các bạn không thực sự giỏi và không có kỹ năng tốt”.

Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn, song Phó thủ tướng cho rằng điều kiện ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet trở thành phổ cập, cơ hội để sinh viên học tập, nghiên cứu vô cùng thuận lợi. Đi cùng với đó là nhiều yếu tố chi phối, lôi kéo sinh viên vào những hoạt động, sinh hoạt khác, nên mỗi người phải xác định rất rõ mục tiêu học tập và kiên định thực hiện.

“Sinh viên nỗ lực học tập là hàng đầu nhưng không có nghĩa là không vui chơi. Các bạn có thể và hãy sống hết mình, tham gia nhiều các hoạt động tập thể, cộng đồng. Hãy luôn tự nhủ rằng mình là sinh viên đại học. Phải làm người tốt, phải làm người tử tế là đương nhiên, nhưng quan trọng hơn hãy tự nhủ mình học đại học, mình phải là người có học nữa. Đừng quên điều đó trong mọi hành vi, suy nghĩ ở nhà, ở trường, ngoài xã hội”, Phó thủ tướng nhắn nhủ.

Giáo dục đừng dàn hàng ngang mà tiến
Đổi mới giáo dục là một trong những nội dung sẽ được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vào cuối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư