Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Phố Wall “ngắt cầu dao”, chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Lê Quân - 10/03/2020 14:10
 
Chứng khoán châu Á chiều nay 10/3 ghi nhận những sắc thái trái ngược nhau do nhà đầu tư trông chờ các biện pháp kích thích thị trường sau khi chứng khoán Mỹ đêm qua “ngắt mạch” giao dịch, đẩy phố Wall vào phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sau cú trượt dài 5,07% trong phiên giao dịch hôm qua 9/3, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chiều nay tiếp tục giảm 0,38%. Ảnh: AFP
Chỉ số Nikkei 225 phiên chiều nay 10/3 tiếp tục giảm thêm 0,38%. Ảnh: AFP

Sau cú trượt dài 5,07% trong phiên hôm qua 9/3, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chiều nay tiếp tục giảm thêm 0,38%. Trong khi đó, chỉ số Topix lội ngược dòng và lên điểm 0,27%. Trong những giờ giao dịch trước đó, cả Nikkei 225 và Topix đều mất hơn 3%.

Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng bật lên 1,81% nhờ lực kéo của cổ phiếu “nặng ký” của tập đoàn công nghệ Tencent và Alibaba với sức tăng hơn 2%. Chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận những diễn biến đối lập nhau khi chỉ số Shanghai Composite nhích 0,62% còn Shenzhen Composite giảm 0,526%.

Chứng khoán Australia có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số S&P/ASX 200 quay đầu tăng 0,94%. Ở những giờ giao dịch trước, S&P/ASX 200 rơi vào “thị trường gấu” khi mất hơn 20% so với mốc điểm cao nhất trong 52 tuần qua.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi trượt nhẹ 0,18%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,93%.

Kênh truyền hình CNBC dẫn bình luận của Mark Matthews, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia Julius Baer (Thụy Sĩ) cho rằng những biến động thị trường nói trên sẽ kéo dài cho đến khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bị đẩy lùi. Thị trường sẽ còn đi xuống và các biến động thị trường có thể lặp lại nhanh chóng nhưng khó dự đoán thời điểm cụ thể, Matthews nhận định.

Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu và cuộc chiến giá dầu được kích hoạt sau khi OPEC không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng với Nga. Ngay sau thỏa thuận thất bại, Saudi Arabia tuyên bố đẩy giá dầu giảm sâu và tăng sản lượng dầu khai thác trong tháng tới.

Đối phó với dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, chính phủ các nước G7 dự kiến tung ra các biện pháp kích thích kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết chính phủ của nước này sắp công bố gói hỗ trợ thứ 2 nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp các nghị sĩ phe Cộng hòa trong hôm nay 10/3 để thảo luận biện pháp giãn, giảm thuế trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại nước này.

Thị trường dầu thô hôm qua 9/3 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất từ năm 1991 khi giá dầu thô Brent giao kỳ hạn quốc tế “bay” 24% còn 34,44 USD/thùng còn dầu thô ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn của Mỹ mất giá 24% còn 31,13 USD/thùng.

Bước vào phiên chiều này trên thị trường châu Á, dầu thô Brent hồi phục 7,51% lên 36,94 USD/thùng, còn dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ tăng 6,87% lên 33,27 USD/thùng.

Phiên giao dịch chứng khoán và dầu mỏ trên thị trường châu Á hôm nay đón thêm thông tin bất lợi khi chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 2 của Trung Quốc giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm này cao hơn mốc 0,3% được các nhà phân tích dự báo với hãng tin Reuters. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán Mỹ đêm qua hứng đòn giáng kép từ cuộc chiến giá dầu do các thành viên OPEC khơi mào và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sàn giao dịch chứng khoán New York đêm qua “đứt mạch” giao dịch 15 phút sau khi chứng khoán lao dốc hơn 7%. Tuy nhiên, nhiều mã cổ phiếu vẫn tiếp đà rớt mạnh khi thị trường mở cửa trở lại.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 15/10/2008 khi “bốc hơi” 2.013,7 điểm (tương đương 7,87%) và đóng phiên với 23.851,02 điểm. Chỉ số S&P 500 lao dốc hơn 7,6% và kết thúc phiên giao dịch với 2.746,56 điểm trong khi Nasdaq Composite đóng cửa với 7.950,68 điểm, giảm 7,29%.

Theo vết trượt của chứng khoán, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác rơi từ mốc 97,2 của tuần trước về 95,513. Đồng yên Nhật Bản suy yếu từ mức 101,99 JPY/USD về 103,64 JPY/USD, còn đô la Australia cũng trượt giá và trao tay 1 AUD đổi 0,6579 USD.

Nhà đầu tư “né” cú sốc Covid-19, giá dầu và chứng khoán châu Á rủ nhau lao dốc
Chứng khoán châu Á và giá dầu chìm sâu trong phiên giao dịch đầu tuần 9/3 do các nhà đầu tư hoảng loạn tìm đến trái phiếu để “né” cú sốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư