Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Phòng biến chứng bệnh quai bị bằng tiêm vắc-xin
D.Ngân - 12/05/2024 18:24
 
Theo các chuyên gia, quai bị có thể là một bệnh nhẹ nhưng thường gây khó chịu và biến chứng không hiếm gặp. Đặc biệt, một số biến chứng của bệnh quai bị bao gồm viêm màng não; vô sinh ở nam giới.

Thông tin từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho hay, cơ sở vừa điều trị thành công, giúp cặp vợ chồng hiếm muộn sau nhiều năm không có con do biến chứng của bệnh quai bị.

Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, Ths.BS Đinh Hữu Việt cho hay, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở nam giới, trong đó, có một nguyên nhân là do biến chứng của bệnh quai bị gây ra.

Vậy nên phòng bệnh quai bị bằng vắc-xin đang được xem là giải pháp quan trọng để phòng chống các hệ lụy gây ra cho sức khỏe của người dân.

Theo các chuyên gia y tế, quai bị là bệnh nhiễm trùng tuyến nước bọt mang tai do virus ARN gây ra. Khi virus này lan xuống tinh hoàn thì bệnh được gọi là viêm tinh hoàn do quai bị. Trẻ em từ 5 - 9 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh này.

Theo các chuyên gia, quai bị có thể là một bệnh nhẹ nhưng thường gây khó chịu và biến chứng không hiếm gặp. Đặc biệt, một số biến chứng của bệnh quai bị bao gồm viêm màng não; vô sinh ở nam giới.

Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi có thể làm virus quai bị bay ra và lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp cho người khác. Virus quai bị cũng có thể lây truyền qua việc tiếp xúc với nước tiểu của người bị nhiễm bệnh.

Mặc dù ít gặp nhưng bệnh quai bị có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở nam giới, biến chứng của viêm tinh hoàn do quai bị có thể gây ra vô sinh, nhiễm trùng não (hay còn gọi là viêm não), viêm màng não, suy giảm thính lực (hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra đối với những người bị bệnh quai bị ở mọi độ tuổi).

Do đó, tiêm phòng vắc-xin quai bị đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức y khoa ở các nước phát triển khuyến cáo đưa vào trong chương trình tiêm chủng để phòng chống bệnh. Cũng tương tự như rubella, những người chưa miễn dịch với bệnh, khi nhiễm virus quai bị có thể để lại gánh nặng bệnh tật nghiêm trọng.

Hiện nay, việc tiêm phòng vắc-xin quai bị được khuyến cáo đưa vào chương trình tiêm chủng ở trẻ nhỏ. Ở hầu hết các nước, vắc-xin phòng bệnh này được kết hợp với chương trình tiêm chủng vắc-xin quai bị - sởi - rubella (MMR). Đây là vắc-xin chứa virus sống giảm độc lực, tức là virus sống nhưng đã được làm suy yếu để không gây bệnh thực sự.

Dựa trên tỷ lệ tử vong và gánh nặng bệnh tật, WHO coi việc kiểm soát bệnh sởi và phòng ngừa hội chứng rubella bẩm sinh là ưu tiên cao hơn việc kiểm soát bệnh quai bị. WHO khuyến cáo nên thực hiện tiêm chủng quai bị thông qua vắc-xin MMR, thay vì vắc-xin quai bị một thành phần.

Để giảm sự lây lan của bệnh quai bị, vắc-xin MMR (sởi, quai bị và rubella) thường được tiêm ngay từ khi còn nhỏ để xây dựng khả năng miễn dịch với virus. Kể từ khi vắc-xin MMR được áp dụng, số ca mắc bệnh quai bị ở Mỹ đã giảm 99%.

Vắc-xin có thể giúp chúng ta phòng ngừa an toàn trước bệnh quai bị. Để đạt được hiệu quả phòng bệnh tối ưu, người dùng phải thực hiện tiêm chủng 2 liều. Liều đầu được khuyến khích dùng cho trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi. Liều thứ 2 thường sẽ được dùng vào tầm từ 4 đến 6 tuổi.

Ở Việt Nam, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, đối với người lớn, để phòng bệnh, người dân cần tiêm phía trên bắp tay một liều duy nhất 0.5ml.

Đối với trẻ em: Liều thứ nhất tiêm lúc trẻ 12 -18 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ trong khoảng từ 3-5 tuổi hoặc trước khi trẻ đi học. 2 liều nên được tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng.

Trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể tiêm vắc-xin quai bị nếu đã bỏ qua liều thông thường. Tiêm ngừa trước khi trẻ được 12 tháng tuổi có thể không mang lại hiệu quả lâu dài, do đó trẻ cần được tiêm lại liều 2 để đảm bảo phòng tránh bệnh tốt .

Việc tiêm phòng vắc-xin quai bị - sởi - rubella có thể gây ra một số phản ứng phụ thường gặp như phát ban trên da, viêm họng, sốt nhẹ

Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần xét nghiệm huyết thanh trước khi tiêm phòng vắc-xin quai bị. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính trước hoặc trong khi mang thai, cần được tiêm chủng sớm sau thai sản.

Phụ nữ trong vòng 1 tháng sau khi tiêm cần tránh mang thai. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vắc-xin quai bị - sởi – rubella.

Những trường hợp không nên hoặc hoãn tiêm vắc-xin quai bị: Người bị suy giảm miễn dịch nặng do bệnh HIV/AIDS; người bị bệnh ác tính;

Người đang được điều trị bằng thuốc corticoid liều cao trên toàn thân, thuốc chống chuyển hóa, điều trị ung thư bằng xạ trị. Phụ nữ có dấu hiệu nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai.

Do vắc-xin quai bị được kết hợp cùng với sởi và rubella nên hiệu quả bảo vệ bệnh chỉ rơi vào khoảng từ 90 - 95%. Tuy nhiên, người bệnh sẽ bị bệnh nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ít hơn nếu đã được tiêm phòng vắc-xin, do trong cơ thể đã tạo sẵn kháng thể phòng bệnh.

Tức là, khi được tiêm phòng, hệ miễn dịch cơ thể đã nhận diện được virus quai bị là vật thể lạ, nên sẽ tạo kháng thể để tiêu diệt chúng. Khi thực sự mắc bệnh, hệ miễn dịch của cơ thể đã được chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu với các tác nhân gây bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hệ miễn dịch của mỗi người có đáp ứng đối với vắc-xin hay không còn phụ thuộc vào độ tuổi tiêm, loại vắc-xin tiêm cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người, chất lượng vắc-xin, cách bảo quản và kỹ năng thực hành việc tiêm chủng.

Nhiều dịch bệnh tăng cao, Bộ Y tế khuyến cáo tăng cường tiêm vắc-xin
Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư