Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc dự án FDI công nghệ lạc hậu
Mạnh Bôn - 26/05/2020 11:06
 
Luật Bảo vệ môi trường góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc dự án FDI có công nghệ lạc hậu; chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 cảnh báo phải sửa luật

“Sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19  gióng lên hồi chuông cảnh báo về bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh khi báo cáo Quốc hội về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường vào sáng nay (26/5).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

“Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ môi trường”, ông Hà dẫn chứng sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.

Theo ông Hà, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về Bảo vệ môi trường; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa quy định chi tiết nên chưa bảo đảm các yếu tố thực thi; nhiều nội dung về Bảo vệ môi trường còn phân tán tại các luật khác nhau.   

“Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy việc quản lý môi trường phải gắn với kết quả, mục tiêu cuối cùng về bảo vệ môi trường, gắn trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp kèm theo chế tài xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường không có ranh giới cụ thể nên cần phải được tiếp cận một cách tổng thể, có hệ thống.

Trong khi đó, năm 1993 chúng ta mới có Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên, đến nay qua 2 lần sửa đổi nhưng nhiều nội dung về bảo vệ môi trường vẫn đang được quy định phân tán tại các luật khác nhau, chưa hướng đến mục tiêu tổng thể, chưa quán triệt chủ trương BVMT là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững”, ông Hà cho biết.

Lý do nữa cần phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, theo ông Hà là nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia (hiệp định CPTPP, EVFTA...) đặt ra yêu cầu cần sớm được thể chế hóa để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện. Thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã đặt ra cơ hội về đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường, định hình các mô hình tăng trưởng mới cũng như những thách thức về sự dịch chuyển công nghệ cũ, ô nhiễm vào nước ta.

“Những vấn đề nêu trên cho thấy đã đến lúc cần hình thành đạo luật về Bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện”, ông Hà nhấn mạnh. 

Bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu 

Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này là bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác bảo vệ môi trường.

“Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường”, ông Hà nhấn mạnh.

So với Luật hiện hành, theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều cải cách mạnh mẽ, nhiều điểm đổi mới căn bản,  đặc biệt, lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP... góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trưởng của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trưởng của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng khẳng định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, có một số cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa theo kịp với cơ chế kinh tế thị trường; nhiều nội dung bảo vệ môi trường được quy định trong nhiều luật khác nhau nhưng giữa các luật còn chồng chéo; nội dung, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa thực sự hợp lý, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thời cơ và yêu cầu mới cho hoạt động bảo vệ môi trường. Việc tiếp cận, ứng xử với môi trường theo xu thế mới, khoa học hơn có ý nghĩa quan trọng khi nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

“Vì vậy, cần phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành một cách toàn diện; bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế”, ông Dũng phát biểu.

Thanh kiểm tra 520 đơn vị về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường
520 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư