Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phú Quốc đã thật sự sẵn sàng để trở thành điểm đến đắt giá trong tương lai?
Hoàng Văn - 17/10/2019 09:37
 
Đứng trước cơ hội trở thành “thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam”, với những thế mạnh riêng có, liệu Phú Quốc đã thật sự sẵn sàng để “trỗi dậy”, trở thành điểm đến đắt giá trong tương lai?
.
Hệ thống hạ tầng du lịch của Phú Quốc ngày càng bài bản.

Nhận diện “nút thắt”

Tháng 4/2019, UBND tỉnh Kiên Giang đã có tờ trình về việc xin chủ trương của Chính phủ thành lập TP. Phú Quốc trên cơ sở huyện đảo Phú Quốc với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ. Theo các chuyên gia, đề xuất này của Kiên Giang là vô cùng hợp lý trong bối cảnh Phú Quốc đã phát triển vượt bậc cả về kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội.

Thống kê cho thấy, du lịch Phú Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây. Nếu năm 2015, Phú Quốc đón 913.000 lượt khách, thì tới năm 2018, đảo Ngọc đã đạt hơn 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng 9 tháng của năm 2019, đã có khoảng 4 triệu lượt khách du lịch đến Phú Quốc. Dự kiến cả năm 2020, Phú Quốc sẽ đón hơn 5 triệu lượt khách.

Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với bên ngoài như sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới; cảng hành khách quốc tế Phú Quốc và các trục đường chính trên đảo đều được đầu tư hoàn thiện theo tiêu chuẩn cao. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng du lịch của Phú Quốc cũng ngày thêm bài bản với sự hiện diện của các thương hiệu khách sạn danh tiếng quốc tế như JW Marriott, InterContinental, Novotel, Movenpick và các tổ hợp vui chơi nghỉ dưỡng quy mô tại Nam đảo như Sun World Hon Thom Nature Park…

Từ tốc độ tăng trưởng phi mã về kinh tế và du lịch, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Phú Quốc cũng ngày càng cải thiện. Thống kê năm 2017 cho thấy, GDP bình quân đầu người tại Phú Quốc đạt 5.149 USD, gấp 2 lần trung bình của tỉnh Kiên Giang.

Song, theo quy luật tất yếu, trong quá trình vận động đi lên, đảo Ngọc tiếp tục đối mặt với những hệ lụy của tăng trưởng, như sốt đất vào năm 2018, việc đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khiếu kiện gia tăng, những bất cập trong quy hoạch cũ… Đây cũng là quy luật của không ít đô thị lớn khác trên thế giới. Chẳng hạn, để trở thành một đối thủ đáng gờm của các thành phố Mỹ, nhiều đô thị của Trung Quốc đang “đau đầu” với tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, giá cả đắt đỏ...

Sẵn sàng cho “cuộc chơi lớn”

Hiện Phú Quốc đang là đơn vị hành chính cấp huyện loại I, trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Nếu đề xuất đưa đảo Ngọc lên thành phố được chấp thuận, Phú Quốc sẽ là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Điều này tiếp tục tạo nên sức hút cho giới đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương.

Lý giải về việc xin chủ trương thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, mô hình chính quyền nông thôn (huyện) hiện nay không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều khó khăn, bất cập. Đó là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái...

Theo nhiều chuyên gia, với những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng, việc đưa Phú Quốc trở thành một thành phố trực thuộc chính là khoác cho đảo Ngọc “tấm áo mới” thay cho chiếc áo cũ đã quá chật chội lâu nay, từ đó đưa đảo Ngọc phát triển xứng với tầm vóc.

TS. Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên hợp quốc khẳng định: “Phú Quốc có tiềm năng rất lớn và có một vị thế rất đẹp. Vấn đề bây giờ là phải tạo điều kiện để Phú Quốc phát triển. Với những hướng dẫn và theo những quy hoạch đã có hiện nay thì có đủ điều kiện để phát triển được rồi. Và bây giờ, với việc cho thêm quyền chủ động của chính quyền địa phương thì tôi rất hy vọng Phú Quốc sẽ thu hút được đầu tư và trở thành một thành phố đảo để thu hút du lịch và phát triển một cách mạnh mẽ”.

Rõ ràng, “tấm áo chật” của cơ chế, chính sách đang là “nút thắt” cần sớm được gỡ bỏ. Để làm được điều đó, Chính phủ cần sớm có cơ chế, tạo điều kiện để Phú Quốc giải quyết được các vướng mắc hiện nay.

Mặt khác, Phú Quốc cũng cần sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh và có uy tín. Sự tăng trưởng phi mã của Quảng Ninh những năm gần đây là một minh chứng rõ ràng về vai trò của những nhà đầu tư chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế, du lịch.

Về vai trò của những doanh nghiệp đóng vai trò như “sếu đầu đàn”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, sứ mệnh quan trọng nhất hiện nay đang được giao vào tay các doanh nghiệp tư nhân. Dù vậy, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Đồng thời, Phú Quốc cần tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới quy hoạch chi tiết các khu chức năng phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Với những thế mạnh riêng có, nếu gỡ được “nút thắt” về cơ chế chính sách, Phú Quốc từ thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam tới đây sẽ trỗi dậy, cạnh tranh một cách “sòng phẳng” với Singapore để trở thành điểm đến đắt giá trong tương lai.

Bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc đón “sóng mới”
Không lâu sau khi Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tỉnh Kiên Giang và các bộ ngành liên quan tiếp tục quy hoạch đảo ngọc này trở thành đơn vị hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư