Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phú Thọ công nhận loạt sản phẩm OCOP mới
Q.Hưng - 29/11/2021 17:38
 
UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 2408/QĐ-UBND công nhận 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh năm 2021.
.
.

Trong số này, có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao gồm mỳ gạo Hùng Lô loại đặc biệt, dưa lưới Nhật, chè xanh đặc sản Phú Hộ, trà Matcha Maika, trà Matcha sữa, nước cốt tương Holusa, tương cổ Đất tổ Holusa, thịt chua sạch Trường Foods vị tỏi ớt, thịt muối Trường Foods, nem sợi sạch Trường Food. 

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Phú Thọ đã có 55 sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ được công nhận và cấp sao.

Các sản phẩm OCOP đều được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã QR..., tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, xác lập chỗ đứng trên thị trường. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhiều sản phẩm đã dần đứng vững trên thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tú Anh, quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc bởi hiện nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phần lớn quy mô hộ nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa ít, chưa tạo được nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình OCOP của một số huyện chưa có kinh nghiệm; kiến thức về chương trình còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia.

.
.

Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp xã chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của Chương trình OCOP với phát triển kinh tế của địa phương, còn đứng ngoài cuộc trong triển khai thực hiện chương trình. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác, hộ kinh doanh mới tiếp cận với nội dung triển khai của chương trình nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, xúc tiến thương mại chưa có chiến lược, giải pháp cụ thể nên chưa tạo được thương hiệu và đầu ra ổn định cho hàng hoá nông lâm sản của tỉnh...

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình nên chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm khiến chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều; mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu còn ít...

Để tạo chỗ đứng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP, tỉnh Phú Thọ đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm; trong đó tập trung hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tập huấn, thuê cán bộ kỹ thuật cho các tổ chưc kinh tế, chủ thể tham gia thực hiện chương trình OCOP. Tỉnh hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng logo, in tem, bao bì, đăng ký mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm các sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, tỉnh chủ trương hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong tỉnh, tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

.
.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ sẽ liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội… nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển chương trình OCOP cũng như nông sản nói chung của tỉnh; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Phú Thọ đặt mục tiêu, năm 2022 có ít nhất 78 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 25 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt hạng 3 sao và có 1-2 sản phẩm đạt hạng 5 sao; mỗi xã, phường có ít nhất 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng 2 mô hình , dự án sản phẩm du lịch công đồng, điểm du lich đạt hạng 3 sao trở lên; hỗ trợ xây dựng thêm điểm quảng bá sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tour, tuyến du lich lễ hội trong tỉnh. Tỉnh từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Phú Thọ thành thương hiệu, lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư