Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Phú Yên xử lý, thay thế đơn vị cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Nguyễn Toàn - 12/07/2023 17:51
 
Phú Yên xử lý và thay thế chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong kiểm tra khảo sát một số khu đất để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong lần kiểm tra khảo sát một số khu đất để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất tại TP Tuy Hòa. Ảnh: Thanh Huy.

Trước tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt tỷ lệ thấp, UBND tỉnh Phú Yên vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách trực tiếp, thường xuyên giám sát, kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn của từng nhiệm vụ dự án.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm hoàn tất thủ tục đầu tư làm việc phân bổ vốn bị chậm, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách nhà nước năm 2023, không hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được Thủ tướng giao.

UBND tỉnh Phú Yên cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh có chế tài xử lý và thay thế các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Sở Tài chính rà soát, tham mưu để điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, đặc biệt là dự án quan trọng, dự án có giá trị lan tỏa cao.

Theo ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, tính đến ngày 31/5/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chỉ đạt 9,9% kế hoạch vốn tỉnh giao và đạt 13,6% kế hoạch vốn trung ương giao.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan (giá cả vật tư, chính sách bồi thường đất đai…), ông Tiến cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm như đơn vị tư vấn chưa đáp ứng nhu cầu, một số chủ đầu tư chưa bám sát kế hoạch đã cam kết đối với tỉnh.

Vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan chuyên môn trong vai trò tham mưu các thủ tục chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa địa phương và chủ đầu tư trong xử lý các văn bản còn chậm trễ…

Cùng với đó là nguồn thu từ tiền sử dụng đất chưa được như kỳ vọng và kế hoạch đặt ra trong nhiệm kỳ cũng là nguyên nhân ảnh hưởng.

Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề cập, trong năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh Phú Yên là 6.742,7 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là 4.294,7 tỷ đồng, chiếm 64%.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, việc đề ra chỉ tiêu thu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất nêu trên gắn với từng khu đất cụ thể đưa ra đấu giá; tuy nhiên, thời gian qua do bối cảnh thịtrường bất động sản cả nước khó khăn, tỉnh Phú Yên đưa ra đấu giá nhiều khu đất nhưng rất ít nhà đầu tư tham gia.

Theo ông Tuấn, điều này đã ảnh hưởng phần nào đến kế hoạch đầu tư công của tỉnh và tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch.

“Việc dựa vào tiền sử dụng đất quá lớn là bất cập, bất hợp lý, thiếu bền vững trong thu ngân sách Nhà nước của tỉnh. Trong thời gian tới, để thu ngân sách bền vững, tỉnh hướng đến thu từ các dự án đầu tư lớn, có tính lan tỏa cao”, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh.

Phú Yên nói gì về tình trạng “đội lốt trang trại làm điện mặt trời”
Phú Yên có 21 trang trại có đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Hạng mục này không nằm trong chủ trương đầu tư được phê...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư