Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô: Hết tính pháp lý sao chưa bỏ?
Thanh Hương - 10/01/2022 09:17
 
Quy định phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa với ô tô nhập khẩu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hết giá trị pháp lý đã hơn 7 năm nhưng vẫn chưa bị bãi bỏ.

Trong Dự thảo tờ trình về việc ban hành Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu được Bộ này đăng tải trên website cho thấy, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ đã đề xuất lãnh đạo Bộ này việc sửa đổi, bổ sung các quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu do các quy định được ban hành trước đây đã không còn phù hợp với thực tế hiện hành cũng như hết căn cứ pháp lý để áp dụng.

Theo đó, căn cứ ban hành quy định về tỷ lệ nội địa hóa với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu trước đây là dựa vào Quyết định175/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020.

Tuy nhiên, hiện nay Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg đã thay thế toàn bộ Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 26/8/2019 đã chấm dứt hiệu lực Quyết định số 1211/2014/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1211/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 177/2002/QĐ-TTg).

Thêm vào đó, Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg cũng sử dụng khái niệm “tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với sản xuất ô tô” thay thế cho khái niệm “tỷ lệ nội hóa ô tô” tại Quyết định 175/2002/QĐ-TTg.

Như vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi Quyết định 175/2002/QĐ-TTg và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg hết hiệu lực, các văn bản pháp luật của Bộ Khoa học Công nghệ ban hành dựa trên các căn cứ này là Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện cũng hết hiệu lực.

Là người theo dõi nhiều về sản xuất ô tô tại Việt Nam, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Cơ khí cho hay, việc chấm dứt hiệu lực của Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN đều do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành trước đây là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Điều này cũng gỡ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam khỏi những quy định đã không còn căn cứ pháp lý để chuyển sang giai đoạn phát triển mới, phù hợp với thực tiễn phát triển của khoa học, công nghệ và hiện đại hơn.

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho rằng, có những doanh nghiệp nói vẫn cần phải duy trì quy định này hay cũng có chính sách của Bộ Tài chính dẫn chiếu đến mức độ rời rạc của bộ linh kiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ nên "chúng tôi đang xem xét, trao đổi". 

Lý giải này liệu có chính xác hay không? Cơ quan quản lý nhà nước phải tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật hay chỉ vì doanh nghiệp vẫn ủng hộ để chưa bãi bỏ những văn bản đã hết căn cứ pháp lý? Trường hợp thấy cần thiết phải có các quy định như cũ thì vẫn phải bãi bỏ các văn bản đã hết căn cứ pháp lý và ban hành văn bản mới dựa vào các căn cứ pháp lý còn hiệu lực. Có như vậy mới tránh được tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong áp dụng văn bản pháp luật liên quan, gây ảnh hưởng tới sự nhất quán của môi trường kinh doanh. 

“Hiện tại, sản xuất lắp ráp ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và tiếp đó là Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, theo đó, mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn sản xuất lắp, ráp ô tô tại Việt Nam đều phải chấp hành. Do đó, theo quy định tại Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ cần bãi bỏ các quy định không còn cơ sở pháp lý là Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN để đảm bảo sự thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”, Luật sư Phạm Xuân Sang, đoàn Luật sư TP. HCM nhận xét.

Lo sản xuất ô tô trong nước tiếp tục… hụt hơi
Tỷ trọng xe sản xuất trong nước có thể theo chiều hướng giảm nếu những biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước chậm được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư