Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Pomina lên tiếng khi cổ phiếu có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE
Duy Bắc - 06/02/2024 09:44
 
Doanh nghiệp lên tiếng sau khi HoSE nhắc nhở cổ phiếu CTCP Thép Pomina (HoSE: POM) có nguy cơ huỷ niêm yết.

Vào ngày 2/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) có gửi công văn nhắc nhở đến CTCP Thép Pomina (mã POM – sàn HoSE) về việc nếu tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán trong 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết.

Do đó, HoSE lưu ý cổ phiếu POM có thể bị hủy niêm yết nếu phía Pomina chậm nộp BCTC năm 2023 (yêu cầu nộp trước ngày 1/4).

Lên tiếng về vấn đề trên, ngày 5/2, Công ty Pomina cho biết, đây chỉ là lời nhắc nhở của HoSE về việc công ty cần nộp BCTC kiểm toán năm 2023 đúng hạn.

Phía Công ty Pomina sẽ nghiêm túc chấp hành quy định, không để rủi ro đến cổ phiếu POM bị hủy niêm yết. Hiện nay, công ty đang nỗ lực hoàn thành BCTC năm 2023 trước thời hạn. Công ty Pomina đã triển khai các biện pháp khắc phục việc chậm hoàn thành BCTC kiểm toán và cam kết không để rủi ro xảy ra trong việc đảm bảo thời hạn nộp BCTC năm 2023.

Thực tế, sau khi bị HoSE nhắc nhở nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc, cổ phiếu POM đã giảm kịch sàn 6,94% trong phiên ngày 5/2, tương ứng giảm 360 đồng, về 4.830 đồng/cổ phiếu và mở cửa phiên giao dịch ngày 6/2, cổ phiếu POM tiếp giảm kịch sàn 6,83%, tương ứng giảm 330 đồng, về 4.500 đồng/cổ phiếu với dư bán sàn hơn 200.000 cổ phiếu.

Pomina tiếp tục lỗ thêm 959,7 tỷ đồng trong năm 2023

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 333,28 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 312,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 459,4 tỷ đồng.

Trong kỳ, Công ty không còn kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận dương 22,17 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 241,6 tỷ đồng, tức tăng thêm 263,8 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 71,7%, tương ứng giảm 21,72 tỷ đồng, về 8,59 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 2,6%, tương ứng giảm 4,8 tỷ đồng, về 180 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 47,2%, tương ứng giảm 14,22 tỷ đồng, về 15,92 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 148,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 35,3 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 113,1 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong quý cuối năm 2023, lợi nhuận gộp chỉ tạo ra 22,17 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lên tới hơn 180 tỷ đồng, đồng thời hoạt động khác lỗ hơn 148 tỷ đồng, đây là hai nguyên nhân chính dẫn tới lỗ trong quý IV.

Lý giải lợi nhuận tiếp tục lỗ trong quý IV, Thép Pomina cho biết, Nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí trong đó có chi phí lãi vay. Công ty đang tái cấu trúc lại và đã tìm được nhà đầu tư mới, mọi thủ tục đang chờ phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông dự kiến tiến hành 15/3/2024, sau khi đại hội cổ đông, Công ty sẽ đưa nhà máy thép Pomina 3 vào hoạt động trở lại, dự kiến đầu quý II/2024.

Ngoài ra, Thép Pomina còn cho biết tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.

Luỹ kế trong năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 3.281,2 tỷ đồng, giảm 74,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ thêm 959,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.166,9 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2023, Công ty Thép Pomina đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 150 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ năm 2023 đã vượt xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng.

Ngoài ra, với việc tiếp tục lỗ trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina 1.270,96 tỷ đồng, bằng 45,4% vốn chủ sở hữu.

Xét về dòng tiền, bên cạnh kinh doanh thua lỗ năm thứ 2 liên tiếp, trong năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Thép Pomina còn ghi nhận âm 331,3 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 15,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 8,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 127,1 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn

Tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Thép Pomina giảm 5,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 627,3 tỷ đồng, về 10.404,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 5.808 tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.603,2 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.446,2 tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng tài sản…

Về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 1,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 93,83 tỷ đồng, lên 6.312,47 tỷ đồng và bằng 395,8% vốn chủ sở hữu (đầu năm ghi nhận 6.218,64 tỷ đồng, bằng 238,1% vốn chủ sở).

Điểm đáng lưu, tính tới 31/12/2023, tổng nợ ngắn hạn là 7.963,6 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn ghi nhận 3.099,3 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 4.864,3 tỷ đồng, hay có thể hiểu Công ty đang sử dụng 4.864,3 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn lớn hơn 1 năm.

Hòa Bình, Thép Pomina, HAGL Agrico bị lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu
HBC, POM có khả năng bị hủy niêm yết nếu doanh nghiệp vi phạm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp, trong khi HNG bị Sở Giao dịch chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư