Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
PV Gas: “Bốc hơi” quá nửa số vốn góp
Chí Tín - 20/03/2019 09:51
 
Cơ cấu nợ của Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Gas, mã GAS, sàn HOSE) đang ở mức khá an toàn, song cổ đông và nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm khi hàng chục tỷ đồng góp vốn vào doanh nghiệp khác bị “bốc hơi”, dù đây chỉ là những tồn dư từ quá khứ.
.
Tính đến ngày 31/12/2018, nợ phải trả của PV Gas là hơn 15.000 tỷ đồng.

Sự chuyển dịch của các khoản nợ

Tại thời điểm ngày 31/12/2018, nợ phải trả của PV Gas là hơn 15.000 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với hơn 18.600 tỷ đồng trước đó 1 năm. Nợ phải trả diễn biến theo xu hướng giảm được coi là tín hiệu an toàn hơn trong cơ cấu tài chính. Điều đáng chú ý, nợ giảm chủ yếu là nợ dài hạn, còn nợ ngắn hạn vẫn tăng nhẹ so với năm 2017, từ 10.900 tỷ đồng lên mức 11.200 tỷ đồng. 

Trong cơ cấu nợ dài hạn, khoản mục giảm chủ yếu rơi vào các khoản vay và nợ thuê tài chính, từ hơn 7.700 tỷ đồng hồi đầu năm 2018 xuống hơn 3.900 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Ông Phạm Đăng Nam, Phó tổng giám đốc PV Gas cho biết, trong năm 2018, PV Gas đã chủ động trả nợ trước hạn một số khoản vay để tối ưu hóa nguồn vốn. Việc tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn là một giải pháp hiệu quả giúp PV Gas tiết kiệm được chi phí lãi vay.

Theo dõi báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong năm 2018, các khoản chi trả cho hoạt động tài chính khá lớn, với con số lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm tới hơn 12.000 tỷ đồng. Một trong các lý do chi trả chính là Công ty dành gần 7.800 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông. PV Gas đã dành hơn 6.800 tỷ đồng chi trả nợ vay tài chính, trong khi chỉ đi vay thêm hơn 2.500 tỷ đồng, số tiền trả dư hơn so với số tiền vay thêm tới 4.300 tỷ đồng.

Việc chuyển dịch theo chiều hướng giảm mạnh nợ dài hạn chứng tỏ diễn biến tài chính khá an toàn, nhưng cũng cho thấy doanh nghiệp đang thiếu dự án đầu tư khả thi có thể tạo thu nhập trong tương lai. Kế hoạch kinh doanh năm 2019 được Công ty đưa ra với dự kiến doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với năm 2018.

Trong khi đó, một số khoản mục làm tăng nợ ngắn hạn là các khoản phải trả người bán ngắn hạn và chi phí phải trả ngắn hạn. Ông Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu là PV Gas nhập LPG nhiều hơn từ các nhà cung cấp để kinh doanh, với giá trị khoảng 460 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/12/2018, PV Gas chưa đến hạn thanh toán khoản tiền này khiến số dư nợ ngắn hạn cao hơn đầu năm 2018.

Tồn dư các khoản góp vốn

Diễn biến các khoản nợ của PV Gas có thể khiến các cổ đông tạm yên tâm. Song một số khoản góp vốn với thực trạng vốn góp vào doanh nghiệp khác phải trích dự phòng tới 75 tỷ đồng lại không thể không khiến cổ đông… xót của.

Các khoản mục đầu tư vào công ty liên doanh liên kết và đầu tư vào các đơn vị khác của PV Gas có tổng vốn góp ban đầu hơn 143 tỷ đồng, song giá trị còn lại hiện chỉ là hơn 63 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã bị “bay hơi” quá nửa số tiền góp vốn vào các doanh nghiệp khác.

Trong đó, PV Gas có khoản vốn góp ban đầu 58 tỷ đồng vào công ty liên doanh PVGazrom, nhưng đến nay giá trị khoản đầu tư này đã bị hao hụt gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần “bốc hơi” đáng kể nhất phải kể đến 2 khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Năng lượng Vinabenny và Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh tài sản Việt. Tổng vốn góp ban đầu của PV Gas vào các doanh nghiệp này là 75 tỷ đồng, đang có khả năng mất toàn bộ vốn.

Giải thích về những khoản góp vốn trên, ông Nam cho biết, số dư dự phòng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác tại thời điểm cuối 2018 thực ra vẫn không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2017. Đây là các khoản đầu tư tại các công ty thành viên là công ty con của PV Gas, nên được phản ánh trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Công ty.

PV GAS sẽ đàm phán mua khí từ mỏ Tuna (Indonesia)
Thỏa thuận chuyển nhượng Biên bản Ghi nhớ giữa PVN và Premier Oil Tuna B.V cho PV GAS về việc cung cấp khí từ cụm mỏ Tuna (Indonesia) cho thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư