Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
PVC dò dẫm tìm lại phong độ
Chí Tín - 17/01/2016 08:51
 
Thông tin kết quả kinh doanh sơ bộ có lãi của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC, mã PVX, sàn HNX) chưa đủ để các nhà đầu tư hết phần… nóng ruột, bởi vẫn còn chặng đường dài để đại gia này có thể lấy lại phong độ sau thời kỳ khủng hoảng.

Khoản lợi nhuận hơn 90 tỷ đồng năm 2015 có vẻ rất “tí hon” so với vốn điều lệ 4.000 tỷ của PVC, nhưng dù sao vẫn đáng mừng bởi đây là con số dương.

Mặc dù có khá nhiều kịch tính xung quanh hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua nhưng cổ phiếu PVX vẫn luôn là tâm điểm quan tâm của giới đầu tư, bởi đây là một trong những cổ phiếu giao dịch sôi động nhất trên sàn, kể cả trong thời điểm có nguy cơ bị hủy niêm yết.

PVC có tham gia một số gói thầu xây lắp tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn 	ảnh: t.h
PVC có tham gia một số gói thầu xây lắp tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: T.H

Vào năm 2014, đại gia PVC ở vào tình thế có thể bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 2 năm liên tiếp. Cụ thể, năm 2012, công ty lỗ khủng tới hơn 1.800 tỷ đồng và tiếp tục lỗ hơn 2.200 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên, với khoản lãi nhỏ nhoi 10 tỷ đồng trong năm 2014, mã chứng khoán PVX tiếp tục đĩnh đạc trên sàn niêm yết. Mức lãi hơn 90 tỷ đồng của PVC trong năm 2015 dẫu nhỏ nhoi so với những sóng gió mà đại gia này cũng các cổ đông đã trải qua trong giai đoạn 2012 – 2013 và việc bù lại khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng từ những năm trước để lại vẫn là một cuộc vượt dốc không mấy nhẹ nhàng trong thời gian tới.

Trong năm 2015, PVC đạt giá trị sản xuất, kinh doanh hợp nhất hơn 11.900 tỷ đồng, vượt 17% so với kế hoạch năm và tăng 22% so với năm 2014. Tổng doanh thu hợp nhất đạt khoảng 10.740 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra của năm 14% và tăng 13% so với năm 2014. Đặc biệt, đại gia này đã giải quyết cơ bản các vấn đề về nguồn nhân lực, giải quyết các chế độ chính sách tiền lương còn nợ đọng trong những năm trước.

Trong khi đó, hoạt động của riêng Công ty mẹ cũng có những tín hiệu khởi sắc với tổng doanh thu ước thực hiện hơn 8.300 tỷ đồng, tương ứng 104% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 140 tỷ đồng.

Công ty mẹ - PVC đến cuối tháng 12/2015 đã trúng thầu/được chỉ định 4 gói thầu, thực hiện ký kết với chủ đầu tư/tổng thầu 2 hợp đồng với giá trị phần việc do PVC thực hiện là 614,29 tỷ đồng. Ngoài ra, đại gia này cũng đã ký kết được 30 hợp đồng với các nhà thầu phụ với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó phần các đơn vị có vốn góp của PVC ký được là 685 tỷ đồng.

Bản thân lãnh đạo PVC cũng vẫn tỏ ra khá thận trọng khi nhìn vào chặng đường phía trước. Ông Nguyễn Anh Minh, Tổng giám đốc PVC cho biết, những kết quả đạt được trong bối cảnh không ít khó khăn của năm 2015 là rất đáng khích lệ, nhưng năm 2016 vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn.

Nhận định này là có cơ sở khi rất nhiều hợp đồng của PVC có được là nhờ vị thế thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chia sẻ giữa các thành viên trong Tập đoàn. Tuy nhiên với thực tế ngay từ đầu năm 2016, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh xuống dưới 35 USD/thùng và chưa có các dự báo lạc quan về việc tăng trở lại, khiến cho nhiều đơn vị trong ngành dầu khí phải dừng/giãn/hoãn tiến độ nhiều công trình thì hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo.

Tuy nhiên, PVC vẫn không giấu tham vọng khi đặt mục tiêu đạt giá trị sản xuất, kinh doanh toàn tổ hợp năm 2016 là 11.500 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty mẹ đạt 9.500 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất đạt 11.000 tỷ đồng, riêng Công ty mẹ đạt 8.600 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 125 tỷ đồng, trong đó phần của Công ty mẹ đạt 83 tỷ đồng.

Xa hơn, PVC dự kiến năm 2020 sẽ bù lại được phân nửa các khoản lỗ trong giai đoạn 2012 – 2013 khi đạt tổng lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn 2016 – 2020 là 1.553 tỷ đồng.

Xây lắp Dầu khí lỗ khủng buộc thay tướng
Báo cáo tài chính năm 2012, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) đã lỗ tới 1.386 tỷ đồng và đã lần lượt thay tổng giám đốc, các phó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư