Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
PVTrans dự kiến chi hơn 1.660 tỷ đồng đầu tư tàu mới
Thanh Thủy - 06/06/2020 07:57
 
Các nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động đang góp về nguồn thu chính cho PVTrans. Kế hoạch kinh doanh năm 2020 tiếp tục được hãng đặt ra thận trọng so với kết quả đạt được năm trước.

Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) vừa gửi tới các cổ đông bản kế hoạch năm 2020. Mục tiêu kinh doanh năm nay của doanh nghiệp này tiếp tục được đưa ra thận trọng với doanh thu kế hoạch hợp nhất là 6.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng, giảm lần lượt 23% và 46% so với thực hiện năm 2019.

Trong năm trước, tổng công ty cũng đề ra mức kế hoạch kinh doanh thậm chí khiêm tốn hơn. Kết quả đạt được vì vậy cao gấp đôi mục tiêu 500 tỷ đồng lợi nhuận đề đề ra.  Với hơn 1.016 tỷ đồng lợi nhuận thu được trong năm, PVTrans đã quyết định trình cổ đông phương án chia cổ tức với tỷ lệ 15%. Toàn bộ cổ tức được chia bằng cổ phiếu, giúp vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng từ 2.814 tỷ đồng lên 3.236 tỷ đồng.

Trong khi kế hoạch kinh doanh vẫn khá thận trọng, PVTrans quyết định chi đầu tư khá lớn trong năm 2020 này. Công ty cũng dự kiến chi 446 tỷ đồng để góp vốn bổ sung vào ba công ty. Cùng đó, công ty mẹ dự kiến chi 1.668 tỷ đồng để đầu tư 4 tàu, trong khi kế hoạch đầu tư của năm ngoái chỉ bằng một số con số này. Gần 1/3 nguồn vốn đầu tư tàu là từ vốn tự có của công ty, còn lại từ vốn vay.

Theo tổng giám đốc Phạm Việt Anh, thị trường mua bán tàu biển vẫn ở mức hợp lý là cơ hội để doanh nghiệp này đầu tư và trẻ hóa phương tiện vận tải.

Báo cáo về tình hình kinh doanh năm 2019, lãnh đạo công ty cho biết mảng vận chuyển dầu thô của tổng công ty năm trước thuận lợi một phần nhờ hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong nước. Riêng Nhà máy Dung Quất với công suất vận hành 107% năm trước đã có nhu cầu vận chuyển 7-8 chuyến dầu thô mỗi tháng, nhà máy Nghi Sơn đã vận hành thương mại dù chưa ổn định nhưng cũng góp nguồn thu cho PVTrans

Ở thời điểm hiện tại, PVTrans vẫn chưa ký kết được hợp đồng thỏa thuận vận chuyển dài hạn với nhà máy Nghi Sơn.

Ở mảng vận tải hàng lỏng, PVTrans đang nắm 100% thị phần vận tải dầu thô và LGP; 30% thị phần vận tải xăng dầu nội địa.Trên thị trường quốc tế, 70% đội tàu của PVTrans cũng đang hoạt động thông qua các hình thức cho thuê đa dạng, bớt phụ thuộc vào thị trường nội địa.

Ở mảng vận tải hàng rời, PVTrans đang sử dụng các tàu hàng rời để vận chuyển than quốc tế từ Indonesia về các nhà máy nhiệt điện trong nước với sản lượng 1 triệu tấn. Việc vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện của PVN nhà máy Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1… cũng đang bị chậm tiến độ và cũng chưa được cụ thể bằng các hợp đồng.

Tổng doanh thu vận tải năm 2019 đạt 4.752 tỷ đồng. Doanh thu từ dịch vụ FSO, FPSO và từ các dịch vụ kinh doanh thương mại, đại lý hàng hải đạt lần lượt 1.092 tỷ đồng và 1.914 tỷ đồng.

Cổ phiếu PVT của doanh nghiệp hiện đang được giao dịch ở mức giá 11.550 đồng/cổ phiếu. Trước đó, trong năm 2019, giá cổ phiếu này phổ biến trong khoảng 16.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực bán tháo những tháng đầu năm 2020 đã kéo cổ phiếu có thời điểm xuống 8.000 đồng/cp. Giá cổ phiếu hiện đã tăng hơn 40% từ đáy.

Xuất khẩu 5 tháng: Những thị trường vẫn tăng trưởng 2 con số
Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc... trong 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng 2 con số giữa tâm điểm dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư