Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu 5 tháng: Những thị trường vẫn tăng trưởng 2 con số
Thế Hải - 02/06/2020 11:25
 
Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc... trong 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng 2 con số giữa tâm điểm dịch Covid-19 là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Xuật khẩu 5 tháng vẫn giữ được đà tăng trưởng tại một số thị trường chủ lực.
Xuật khẩu 5 tháng vẫn giữ được đà tăng trưởng tại một số thị trường chủ lực.

Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 5 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của các ngành hàng xuất khẩu lớn trong hành trình vượt khó để có tăng trưởng tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Nỗ lực giữ gôn

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ lực 5 tháng đầu năm 2020 (Biểu đồ: Thế Hải).
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ lực 5 tháng đầu năm 2020 (Biểu đồ: Thế Hải).

Dễ nhận thấy là kim ngạch của cả ba nhóm ngành quan trọng đều giảm sau gần nửa năm, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019, nhóm hàng nông, thủy sản giảm 4,7%, nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%.

"Như vậy, không còn chỉ là giảm tốc nữa, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, xuất khẩu của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý II/2020", Báo cáo nêu rõ.

Dù Việt Nam đã trải qua hơn 1 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, tuy nhiên trên thế giới dịch bệnh vẫn đang hết sức phức tạp và chưa được kiểm soát tốt đặc biệt tại các nước lớn, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Do đó, việc 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD sau chặng đường 5 tháng, những chỉ số về tăng trưởng tại các thị trường lớn đã tiếp thêm động lực cho các ngành hàng để vượt qua khó khăn do tác động không mong muốn của dịch bệnh.

Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,1%. Thị trường EU đạt 12,9 tỷ USD, giảm 12%. Thị trường ASEAN đạt 9,4 tỷ USD, giảm 13,4%. Nhật Bản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 2,2%. Hàn Quốc đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,5%.

Lo đơn hàng Quý 3, 4

Với 1,88 tỷ USD xuất siêu sau chặng đường 5 tháng, cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu USD so với cùng kỳ, nhưng khó khăn, trở ngại với xuất khẩu trong chặng đường sắp tới vẫn còn nặng vai với các ngành hàng.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản, da giày xác nhận, đơn hàng mới cho quý 3 và 4 chưa về nhiều, nếu có, giá trị một số đơn hàng mới cũng bị giảm từ 15-30% so với trước.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.

Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh việc chủ động có các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại ASEAN, EU, Mỹ..., nhằm mở rộng thị trường, EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020 được mong chờ tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới.

Thiếu đơn hàng vì Covid-19, xuất nhập khẩu giảm mạnh
Không còn chỉ là giảm tốc, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư