Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
PVTrans: Lợi nhuận năm 2022 ước tính tăng 31%, lên 1.094 tỷ đồng
Duy Bắc - 26/12/2022 14:11
 
Quý IV/2022, PVTrans ước tính ghi nhận doanh thu tăng 22%, lên 2.542 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 12%, lên 262 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Tổng kết sản xuất kinh doanh, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) thông báo đã về đích trước 3 tháng, vượt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh do Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) giao phó.

Trong năm 2022, doanh thu Tổng công ty ước đạt 9.150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.094 tỷ đồng, lần lượt vượt 41% và 128% kế hoạch năm. So với năm 2021, doanh thu của Tổng công ty tăng 23% và lợi nhuận sau thuế tăng 31%.

Nếu tính riêng quý IV, doanh thu PVTrans khoảng 2.542 tỷ đồng tăng 22%, lợi nhuận sau thuế là 262 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch PVTrans (Nguồn: PVTrans).
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch PVTrans (Nguồn: PVTrans).

PVTrans cho rằng, trong bối cảnh giá dầu biến động liên tục do ảnh hưởng của những bất ổn về chính trị, kinh tế khiến giá mua bán tàu tăng đột biến. Không những thế, các nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét khiến công tác chuẩn bị đầu tư và tìm mua tàu phù hợp đảm bảo hiệu quả dự án đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ tranh thủ thời điểm đầu năm khi thị trường chưa biến động nhiều, một số đơn vị thành viên PVTrans có sự chuẩn bị từ cuối năm trước đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác hai tàu chở dầu, hóa chất 13.000 DWT, hai tàu chở dầu, hóa chất 20.000 DWT, một tàu chở hàng rời Supramax và 1 sà lan chở hàng rời 10.000 DWT.

Ngoài ra, tổng công ty cũng đã ký hợp đồng thuê bareboat và đưa vào khai thác 1 tàu chở dầu, hóa chất 20.000 DWT, một tàu chở LPG 5.000 CBM và một tàu chở hàng rời Handysize và bán, thanh lý thu hồi vốn một số tàu già, như tàu PVT Athena, Song Hau.

Giá cước vận tải dầu tăng

Theo nguồn tin của Bloomberg (khảo sát các nhà môi giới tàu biển), giá cước vận tải dầu đang tăng mạnh. Theo đó, chi phí xuất bến đối với những tàu chở dầu thô hiện vào khoảng 120.000 - 130.000 USD/ngày, tăng khoảng 50.000 USD so với hai tháng trước.

Thêm nữa, theo dữ liệu vận chuyển hàng hóa kỳ hạn của Sàn giao dịch Baltic do Bloomberg tổng hợp, các chuyến hàng chở dầu từ Mỹ đến Trung Quốc (một trong những tuyến đường chính có khoảng cách dài nhất trong ngành vận tải chở dầu) có chi phí vận chuyển khoảng 6,6 USD trên mỗi thùng dầu vào giữa tháng 11/2022, cao gấp gần 3 lần thời điểm tháng 2/2022.

Giá cước vận tải dầu các tuyến từ Nga tới châu Á cũng tăng tương ứng trong những tháng gần đây. Các chuyên gia cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng cước vận chuyển dầu tăng cao: thứ nhất, việc châu Âu thực hiện các lệnh cấm, hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga đã buộc Nga phải chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác với khoảng cách xa hơn. Theo đó, nhu cầu tàu chở dầu tăng cao để phục vụ các chuyến chở dầu có thời gian vận chuyển dài. Nếu như tuyến vận tải dầu từ Nga sang châu Âu trung bình là 6 - 7 ngày thì hiện tại từ Nga sang Ấn Độ mất khoảng 35 - 40 ngày. Thứ hai, khi nhu cầu tàu chở dầu tầm xa tăng lên trong khi đội tàu chở dầu hiện tại không đáp ứng kịp tốc độ tăng của nhu cầu, điều này đang và tiếp tục thúc đẩy giá cước chở dầu tăng cao và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Thêm nữa, giá bán tàu chở dầu cũ cũng tăng nhanh nhờ nhu cầu tăng đột biến. Cụ thể, theo công ty định giá VesselsValue, giá của tàu Aframaxes 20 năm tuổi đã tăng 86% từ 11,8 triệu USD vào ngày 1/1 lên 22 triệu USD ở thời điểm đầu tháng 12/2022.

Với sự mất cân đối giữa cung cầu trên thị trường vận chuyển dầu, giá cước chở dầu dự kiến có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, từ đó giúp các hãng tàu chở dầu có thể tận dụng cơ hội.

PVTrans là doanh nghiệp thống lĩnh ngành vận chuyển dầu tại Việt Nam

PVTrans là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thành lập năm 2002 và hiện tại có đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ dầu khí của Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans cho biết, hiện tại Công ty đang có đội tàu gồm 42 chiếc, trọng tải khoảng 1,1 triệu tấn. Trong đó, có tới 85% đội tàu đang hoạt động quốc tế, chỉ có 15% hoạt động trong nước phục vụ các khách hàng chủ yếu như CTCP Lọc hoá Dầu Bình Sơn (mã BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (mã OIL), Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (mã GAS) …

Ông Việt Anh cho biết thêm hầu hết các tàu hoạt động quốc tế và theo hợp đồng định hạn từ 6 tháng đến 2 năm, đa số các tàu sang năm 2023 sẽ gia hạn hợp đồng theo giá thị trường. Thêm nữa, Công ty đã thanh lý tàu Eagle và có thêm lợi nhuận bổ sung cho Công ty Phương Nam (Công ty con của PVTrans), tàu Dragon dự kiến sẽ thanh lý trong quý I và quý II/2023.

Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, Ban lãnh đạo Công ty liên tục thực hiện chiến lược trẻ hoá đội tàu khi thực hiện mua mới tàu và đồng thời thanh lý tàu cũ, từ đó giúp trẻ hoá độ tuổi khai thác của các tàu và tăng hiệu quả vận hành. Thêm nữa, sau khi thống lĩnh thị trường chở dầu trong nước, Công ty đang và tiếp tục từng bước tăng sự hiện diện trên các tuyến quốc tế bằng việc cung cấp dịch vụ vận tải và cho thuê tàu.

Và đặc biệt, Công ty thực hiện nhiều hợp đồng cho thuê tàu định hạn trong những năm trước nên chưa cập nhập được giá cước vận tải ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong vòng 1 đến 2 năm tới khi các hợp đồng thuê tàu định hạn kết thúc, Công ty sẽ nhanh chóng cập nhập giá cước mới theo giá thị trường và từ đó giúp tăng giá cước thuê tàu. Ban lãnh đạo PVTrans tự tin giá cước trong tương lai sẽ tốt hơn năm 2022.

Ngoài ra, SSI Research còn ước tính, PVTrans có thể thanh lý 2 tàu PVT Eagle và PVT Dragon trong quý IV/2022 và quý I/2023, đây sẽ là một khoản lợi nhuận đột biến khi giá tàu cũ đang tăng mạnh, từ đó giúp nhà đầu tư có thêm câu chuyện để kỳ vọng.

PVTrans đẩy mạnh trẻ hoá đội tàu, lợi nhuận vượt 24% kế hoạch sau 8 tháng
So với kế hoạch kinh doanh thận trọng đề ra, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PVTrans vượt 24% sau 8 tháng. Tăng mua tàu mới, dòng tiền đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư