Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quân bài chiến lược mới của các “tay chơi” bán lẻ
Anh Hoa - 11/05/2022 08:15
 
Khi sự phân hóa giữa các doanh nghiệp bán lẻ ngày càng lớn, thì các chuỗi siêu thị vừa và nhỏ, mini lại đang tỏ rõ những thế mạnh của mình.
Thị trường Việt Nam đang là “miền đất hứa” cho các chuỗi bán lẻ. Trong ảnh: Một cửa hàng AVAJi của Thế giới Di động
Thị trường Việt Nam đang là “miền đất hứa” cho các chuỗi bán lẻ. Trong ảnh: Một cửa hàng AVAJi của Thế giới Di động

“Sóng” cũ, đối tượng mới

Cận kề kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Vincom Mega Mall Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - thành viên thứ 81 trong “đại gia đình” trung tâm thương mại (TTTM) Vincom đã chính thức mở cửa đón khách. Đây là TTTM thế hệ mới theo mô hình “life-design mall” đầu tiên tại Việt Nam, được kiến tạo theo mô hình tương lai, nơi các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa theo nhu cầu của khách hàng. Quan trọng hơn, mô hình này đã vượt qua một trung tâm mua sắm, giải trí đơn thuần khi đưa vào các trải nghiệm độc - lạ - bắt kịp xu hướng quốc tế. 

Không chỉ dừng lại ở một “thủ phủ” mua sắm mới với quy mô “khủng” (lên tới 68.000 m2) cùng sự hiện diện của hơn 100 cửa hàng concept, flagship từ các thương hiệu có tiếng, Vincom Mega Mall Smart City còn là một tổ hợp mua sắm, giải trí khác biệt với thiết kế kiến trúc thiên nhiên trong nhà độc đáo, nằm kề bộ ba công viên xanh mát rộng tới hơn 16 ha của đại đô thị Vinhomes Smart City.

Vincom Retail đã mang đến một làn gió mới cho lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam, giúp người tiêu dùng có cái nhìn hoàn toàn khác về một TTTM. Đây sẽ là nơi các khách hàng thế hệ mới đến mỗi tuần, thậm chí là nhiều lần trong tuần, không chỉ để mua sắm, mà còn để tiếp cận, khám phá những xu hướng mới, trải nghiệm về cả thời trang, ẩm thực, văn hóa, công nghệ, giải trí và chăm sóc sức khỏe...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2022 của cả nước đạt 455.500 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng 3/2022 và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 1,777 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.

 Trong đó, bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021 (riêng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2%; ngược lại, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm lần lượt 3,5% và 4,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài); lưu trú và ăn uống tăng 5,2%; du lịch tăng 10,5%.

(Nguồn: Bộ Công thương)

Trong khi đó, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cũng vừa công bố quyết định đầu tư TTTM tại Đồng Nai với tổng vốn lên đến 268 triệu USD. Tháng 5/2021, ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam đã đến Đồng Nai tìm hiểu vị trí để đầu tư một TTTM tại TP. Biên Hòa trong giai đoạn 2021 - 2025 và một TTTM trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2030, Aeon Mall Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 30 trung tâm thương mại ở Việt Nam.

Không khó để nhìn ra kế hoạch “bành trướng” của các TTTM cỡ đại tại Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, khi sự phân hóa giữa các doanh nghiệp bán lẻ ngày càng lớn, thì các chuỗi siêu thị vừa và nhỏ, mini lại đang tỏ rõ những thế mạnh của mình, đặc biệt là sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Hầu hết các tên tuổi lớn nhỏ trên thị trường đều đang có sự thay đổi lớn khi dồn lực vào mô hình chuỗi siêu thị vừa và nhỏ, mini.

Đơn cử, Aeon Việt Nam đang có động thái nhân rộng mô hình siêu thị vừa và nhỏ Aeon MaxValu đầu tiên của mình. Aeon MaxValu là thương hiệu siêu thị quen thuộc của Aeon, đã có mặt tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, nhưng đến cuối năm 2021, nhà bán lẻ này mới chính thức đưa lĩnh vực kinh doanh thứ 5 này của mình vào thị trường Việt Nam. 

Với các tiêu chí đặc trưng như vị trí thuận tiện, nằm trong các khu dân cư, diện tích từ 300 đến 500 m2, Aeon MaxValu tiến gần hơn tới khách hàng, trong bối cảnh nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày càng thay đổi. Các siêu thị Aeon MaxValu có đầy đủ dịch vụ, tiện ích, gồm giao hàng tận nơi, mua sắm online; khách hàng được hưởng tất cả quyền lợi của thành viên Aeon, được tích điểm thẻ thành viên Aeon Việt Nam cũng như các chương trình ưu đãi và thanh toán không tiền mặt qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR...

Hiện Aeon Việt Nam đang ưu tiên và tăng tốc mở rộng số lượng siêu thị Aeon MaxValu, với mục tiêu có 20 siêu thị tại khu vực miền Bắc. Ngoài ra, trong năm nay, Aeon sẽ tập trung phát triển các cửa hàng chuyên doanh, sản phẩm nhãn hàng riêng và thương mại điện tử.

“Đặt cược” vào quân bài chiến lược mới

Đầu năm 2022, Thế giới Di động quyết định “tạm dừng” cuộc chơi ở phân khúc bán lẻ thực phẩm tổng hợp của chuỗi Bách hóa xanh sau 7 năm tham gia thị trường để tập trung cải thiện nền tảng vận hành và tối ưu hóa lợi nhuận, tập trung cho các chuỗi mới hơn.

Từng có thời gian ghi nhận tăng trưởng doanh số nổi bật, nhưng chuỗi Bách hóa xanh đã bộc lộ nhiều hạn chế trong dịch Covid-19, đặc biệt từ sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách. Chuỗi này cũng thấy rõ những lỗ hổng trong hoạt động kinh doanh của mình, nhất là khâu kiểm soát cung ứng hàng hóa, logistics và liên kết với vùng nguyên liệu.

Cùng thời điểm này, Thế giới Di động tung ra 5 chuỗi bán lẻ trái ngành mới hoàn toàn, với tên thương hiệu bắt đầu bằng AVA, chính thức nhảy vào kinh doanh bán lẻ đa ngành ở các lĩnh vực thời trang, thể thao, mẹ và bé, trang sức, xe đạp. Trước đó, Thế giới Di động đã kết hợp với Apple mở loạt cửa hàng TopZone chuyên bán sản phẩm của hãng này.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động khẳng định, chỉ cần vài chuỗi trong những thử nghiệm này thành công, Tập đoàn sẽ nhanh chóng phủ các cửa hàng khắp Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, góp sức hiện thực hóa giấc mơ doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2025.

Trong các lĩnh vực bán lẻ mới mà Thế giới Di động theo đuổi, mảng thời trang, thể thao, mẹ và bé đều rất tiềm năng. Bên cạnh đó, mảng trang sức, xe đạp cũng đầy hứa hẹn, vì tỷ suất lợi nhuận của ngành này rất cao.

Tương tự, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và Tổng công ty Thương mại TP.HCM (Satra) cũng đã “khai tử” nhiều điểm bán không hiệu quả. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong năm nay, doanh nghiệp sẽ mở mới 80 đến 100 điểm bán nhỏ và quy hoạch, phân định rõ phân khúc phát triển của từng chuỗi Co.op Food, Co.op Smile, Cheers; tập trung củng cố và đẩy mạnh phát triển chuỗi Co.op Food.

Giai đoạn này, Saigon Co.op sẽ tập trung nguồn lực để thay đổi các hoạt động vận hành, tạo nền tảng tăng tốc và giữ vững thị phần trước sự đầu tư mạnh mẽ của các “ông lớn” trong và ngoài nước.

Đề cập mô hình phát triển theo chuỗi, không thể không nhắc đến mô hình mini-mall - một trong những “quân bài” chiến lược của Masan. Mục tiêu của mini-mall là phục vụ 30 đến 50 triệu người tiêu dùng đến năm 2025, doanh thu bình quân đạt 7 - 8 tỷ USD/năm, chiếm 50% thị phần bán lẻ Việt Nam.

Trong 2 năm sau khi nhận chuyển nhượng VinMart và VinMart+ từ Tập đoàn Vingroup, Masan Group đã lỗ tổng cộng hơn 5.600 tỷ đồng từ mảng bán lẻ. Sau khi đổi tên VinMart và VinMart+ thành WinMart và WinMart +, trong năm 2022, chuỗi

WinMart đạt doanh thu 9.924 tỷ đồng còn Winmart+ đạt doanh thu 20.948 tỷ đồng. Điều đáng nói là, trong khi doanh thu của các siêu thị mini WinMart+ tăng 7,7%, thì doanh thu của chuỗi cửa hàng lớn WinMart lại giảm 6,6% so với năm 2021.

Dưới sự quản lý của Masan, chuỗi siêu thị này không đơn thuần chỉ đi theo hướng bán lẻ truyền thống, mà còn được định hướng chuyển đổi thành các điểm bán trong chiến lược “Point of Life”. Từ giữa năm 2021, Masan đã bắt đầu đưa cửa hàng Techcombank vào bên trong các siêu thị WinMart+ và sau đó là kiosk Phúc Long, Reddi, Phano Pharmacy. Masan gọi mô hình này là mini-mall và “đặt cược” cửa sáng thành công. Trong năm 2021, chuỗi này đã phủ được 68% nhu cầu của người tiêu dùng thông qua hệ thống.

Masan đặt mục tiêu mở 30.000 cửa hàng mini-mall trên toàn quốc cho đến năm 2025, gồm 10.000 điểm bán offline (trực tiếp) và 20.000 điểm bán nhượng quyền. Kế hoạch của Masan trong năm 2022 là mở 2.000 cửa hàng mini-mall theo 5 hình thức khác nhau dựa trên phân tích đặc trưng của từng thành phố, ngoại ô, nông thôn, trong đó dự định triển khai 200 cửa hàng nhượng quyền. Nhượng quyền thương hiệu sẽ giúp Masan nhanh chóng nhân rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình mini-mall tại các vị trí đắc địa nhất.

Để đạt được tham vọng chiếm 50% thị phần bán lẻ tại Việt Nam, Masan đang nỗi lực thực hiện chiến lược trong giai đoạn mới khi phát triển thành hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ. Cụ thể, Masan sẽ áp dụng và tích hợp những công nghệ cao hơn như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning). Masan cũng vừa hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty cổ phần Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd.

TrustingSocial là công ty thuộc nhóm nổi bật đang khai thác ưu thế từ dữ liệu lớn và học máy, nhằm hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho những người chưa có lịch sử tín dụng, hay hiểu đơn giản là dùng công nghệ để giúp người nghèo vay được tiền.

Quá trình “chuỗi hóa” đang diễn ra khi thị trường Việt Nam trở thành “miền đất hứa” cho các chuỗi bán lẻ trong nhiều lĩnh vực. Có những thương hiệu đã thành công, nhưng cũng không ít thương hiệu tàn lụi. Song, nếu không nhanh chóng phát triển thành chuỗi, có lẽ, nhà bán lẻ trong nước sẽ nhanh chóng bị hạ gục bởi những “gã khổng lồ” nước ngoài, chưa kể các “tay chơi” mới gia nhập sẽ đi vào thị trường ngách và trở thành đối thủ chính.

Tuy nhiên, việc tăng doanh số, tăng độ phủ của chuỗi có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng quản lý, sự hỗ trợ của công nghệ…

Gam màu mới của bất động sản bán lẻ
Nhu cầu mở rộng mặt bằng phục vụ kế hoạch kinh doanh của các nhóm doanh nghiệp không giống nhau, thậm chí trái ngược, nhưng nhìn chung, thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư