Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế: Rà soát lại để có định hướng hợp lý
Để khắc phục những bất cập, chồng chéo trong hoạt động của các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT), cần phải rà soát lại để có định hướng phát triển hợp lý, ban hành Luật KCN, KCX, KKT, đồng thời thống nhất quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KCN, KCX, KKT với các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Các khu công nghiệp tại Cần Thơ tạo việc làm cho hàng vạn lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm
Các khu công nghiệp tại Cần Thơ tạo việc làm cho hàng vạn lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm

Những bất cập trong hoạt động của các KCN, KCX, KKT

TP. Cần Thơ hiện có 8 KCN, trong đó có 6 KCN đã đi vào hoạt động, 2 KCN đang trong quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện có 220 dự án đầu tư còn hiệu lực, thuê 296,706 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,957 tỷ USD; vốn đầu tư đã thực hiện là 894,532 triệu USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong số này, có 21 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 198,388 triệu USD và một dự án ODA (hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc) với vốn đầu tư 21,130 triệu USD.

Các KCN Cần Thơ đang giải quyết việc làm cho hơn 31.200 lao động tại địa phương và một số tỉnh lân cận; đóng góp cho ngân sách địa phương hàng năm từ 1.500 đến 2.500 tỷ đồng (năm 2015 là 1.986 tỷ đồng), góp phần phát triển kinh tế địa phương nói riêng và phát triển các KCN cả nước nói chung.

Nhìn chung, việc phát triển các KCN, KCX, KKT là nguồn chủ lực cho việc thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển trong thời gian qua, góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào việc đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KKT đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác quy hoạch và phát triển các KCN, KCX, KKT không tập trung, mà mang tính chất dàn trải và tràn lan; mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước đều có KCN, KCX, KKT. Việc quy hoạch như vậy mặc dù có ưu điểm là thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và giải quyết việc làm cho những địa phương có điều kiện kém phát triển hơn, song kết quả đạt được không cao, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư. Hệ quả là, các địa phương đua nhau giảm giá cho thuê đất (thậm chí cho không), thực hiện nhiều ưu đãi về thuế…, dẫn đến giẫm đạp và triệt tiêu lẫn nhau.

Về kiểm tra, thanh tra, theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và Thông tư Liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 3/9/2015, Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT là đơn vị chủ trì “tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền”, song trong Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 15/11/2011 thì Ban Quản lý KCN, KCX, KKT không có bộ phận thanh tra. Như vậy, làm sao thực hiện được nhiệm vụ kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền?

Trong khi đó, gần như cơ quan hữu quan nào cũng được quyền tổ chức kiểm tra, thanh tra các KCN, KCX, KKT (thanh tra địa phương, thanh tra các bộ, thanh tra chuyên ngành…). Chẳng hạn, trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp trong KCN, KCX, KKT phải tiếp một loạt cơ quan kiểm tra, thanh tra, như Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục Cảnh sát môi trường… Điều đặc biệt là, các cơ quan này có thể triển khai thực hiện mà không cần có sự đồng thuận hay phối hợp của Ban Quản lý KCN, KCX, KKT.

Liên quan công tác ủy quyền đối với KCN, KCX, KKT, với hệ thống văn bản pháp luật như hiện nay, bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào (kể cả cơ quan chuyên môn) từ Trung ương đến địa phương đều có thể ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KCX, KKT. Đặc biệt, không cần phân cấp (cấp trên, ngang cấp hay cấp dưới) đều có thể ủy quyền và cùng một nhiệm vụ lại có nhiều cấp ủy quyền (như việc ủy quyền về lao động theo Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 1/12/2014). Việc này tạo sự chồng chéo trong thực hiện công tác quản lý nhà nước giữa các cơ quan quản lý với nhau (UBND quận, huyện ủy quyền cho Ban Quản lý).

Về quản lý và phát triển hạ tầng ngoài KCN, KCX, KKT, hiện vẫn chưa có sự đồng bộ về hạ tầng (điện, nước, hạ tầng giao thông…) giữa trong và ngoài KCN, KCX, KKT. Hạ tầng ngoài KCN, KCX, KKT được quy hoạch nhằm phục vụ dân sinh trên địa bàn và do nhiều cơ quan quản lý riêng, nên rất khó khăn đáp ứng nhu cầu của KCN, KCX, KKT.

Trong khi đó, việc quản lý giá mà các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, KCX, KKT cho doanh nghiệp thuê đất vẫn còn bất cập và chưa phù hợp. Hiện tại, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng tự đưa ra khung giá cho thuê đất, Ban Quản lý KCN, KCX, KKT chỉ tiếp nhận đăng ký giá cho thuê đất của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư hạ tầng đưa ra giá thuê đất quá cao (đối với các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng là tư nhân) mà Ban Quản lý KCN, KCX, KKT không có quyền can thiệp, nên ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư (trước đây, Ban Quản lý ký xác nhận hợp đồng, nay không còn thủ tục này, nên Ban Quản lý không có thông tin về việc công ty hạ tầng ký hợp đồng với đơn vị thuê đất).

Một số kiến nghị

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KKT các tỉnh, thành trong cả nước, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đề nghị UBND TP. Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét một số vấn đề như sau.

Về quy hoạch KCN, KCX, KKT, đề nghị rà soát lại, địa phương nào có điều kiện thì phát triển, còn ngược lại thì nên giảm. Không nên quy hoạch tràn lan theo hướng tỉnh nào cũng có KCN, KCX, KKT, không những dẫn đến không hiệu quả và không thu hút được đầu tư, dẫn đến lãng phí đất đai, nhân lực và vật lực, mà còn triệt tiêu lẫn nhau. Nên tập trung quy hoạch, phát triển KCN ở các trung tâm kinh tế trọng điểm vùng, còn các tỉnh, thành phố khác thì quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp để phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho địa phương.

Đối với quản lý KCN, KCX, KKT, thực tế hiện nay, khi nói đến “Ban Quản lý KCN, KCX, KKT”, nhiều tổ chức, doanh nghiệp hiểu nhầm là “Ban Quản lý dự án” trực thuộc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, KCX, KKT. Thậm chí, rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng hiểu lầm như vậy, dẫn đến tình trạng bỏ quên Ban Quản lý KCN, KCX, KKT khi ban hành các văn bản pháp luật và trong các cuộc họp quan trọng, có tính chất quyết định đến sự phát triển của địa phương và cả nước. Để tránh nhầm lẫn, đề nghị có thể đổi tên Ban Quản lý KCN, KCX, KKT (có thể gọi là “Cục Quản lý các KCN, KCX, KKT” trực thuộc UBND tỉnh, thành phố hoặc trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Đối với công tác tổ chức, nhằm nâng cao vai trò trong việc thực thi công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, KCX, KKT, đề nghị Chính phủ có văn bản quy định thống nhất, Trưởng ban Quản lý phải là Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố. Tùy theo quy mô của Ban Quản lý loại 1, 2, 3, tiêu chuẩn Trưởng ban phải quy định cụ thể.

Để khắc phục những chồng chéo trong ban hành văn bản pháp luật, đề nghị Quốc hội ban hành Luật về KCN, KCX, KKT và có các nghị định, thông tư hướng dẫn như đối với các luật chuyên ngành khác theo cơ chế đặc thù. Đồng thời, ban hành thống nhất “Mẫu quy chế phối hợp” giữa Ban Quản lý với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” áp dụng tại các ban quản lý. Có như vậy, sẽ khắc phục được những chồng chéo, bất cập trong quản lý nhà nước như hiện nay, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Về thanh tra, kiểm tra, kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra của Ban Quản lý KCN, KCX, KKT vào Luật Thanh tra. Trường hợp không cho chức năng thanh tra thì phải cho phép có một biên chế Thanh tra viên để thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định của Thông tư số 06/2015/TTLT- BKHĐT-BNV. Có như vậy mới phát huy được vai trò quản lý nhà nước đối với Ban Quản lý KCN, KCX, KKT.

Về ủy quyền, Chính phủ nên có văn bản thống nhất quy định rõ, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước cấp trên mới được ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới. Các cơ quan chuyên môn không được phép ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước, hoặc cấp cơ sở ủy quyền cho cấp thành phố.

Ngoài ra, công tác đoàn thể, đặc biệt là công tác Đảng, tại các doanh nghiệp trong KCN, KCX, KKT cũng cần quan tâm; cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong các KCN, KCX, KKT.

Dự án dệt may "hút" 4,2 tỷ USD vào khu công nghiệp
Ngày 24/9, Savills Việt Nam công bố Báo cáo tình hình hoạt động các Khu công nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, chỉ trong nửa đầu năm 2015, riêng ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư