Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Quản lý dịch vụ Internet: Tránh "bảo hộ ngược" cho doanh nghiệp xuyên biên giới
Tú Ân - 08/09/2023 14:54
 
Ngày 8/9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện Dự thảo nghị định thay thế dựa trên Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã trình Chính phủ và bổ sung 11 nội dung mới để phù hợp với thực tiễn quản lý, không phát sinh thêm chính sách mới.

Dự thảo có những thay đổi lớn về các chính sách: quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, cấp phép thiết lập mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng, cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động; quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới, tăng cường triển khai biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet… với các quy định cụ thể về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng, doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng và nhiều quy định quan trọng khác.

H
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký VCCI cho hay, Nghị định 72/2913/NĐ- CP rất quan trọng, được các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước quan tâm. Việt Nam là nước có độ phủ Internet cao với khoảng 70% triệu người sử dụng, chiếm 70% dân số. Hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống và kinh doanh.

Dù vậy, Internet cũng rất dễ xảy ra các hành vi tiêu cực, lan truyền nhanh nên cần có cơ chế kiểm soát. Pháp luật quản lý lĩnh vực này rất cần thiết nhưng quản lý như thế nào là vấn đề rất quan trọng. Bởi nếu quản ký không khéo hoặc quá chặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay. Trong khi đó, công nghiệp nội dung số thời gian qua phát triển nhanh, cho ra đời nhiều sản phẩm được yêu thích, có khả năng xuất khẩu.

“Các quy định của Nghị định mới cần cẩn trọng để tránh xảy ra bảo hộ ngược, khiến doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được với doanh nghiệp quốc tế. Và tránh tình trạng, nhà đầu tư trong nước ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Ban soạn thảo Nghị định cần tính tới tác động này”, ông Tuấn kiến nghị.

Tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung; đề xuất bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia. Cùng với đó, người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, người dùng muốn dùng dịch vụ phát video trực tiếp (livestream) mạng xã hội phải xin phép..

Góp ý cho Ban soạn thảo, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN  cho rằng, việc chặn nội dung không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet tiềm ẩn nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi xu hướng Internet mở toàn cầu. Bên cạnh đó, yêu cầu tạm khóa và khoá vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành.

Các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cũng đã góp ý đối với những điểm mới liên quan đến các nghĩa vụ mới đối với doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam; giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của doanh nghiệp; ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông; báo cáo ngay cho Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử chậm nhất là 24 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được phản ánh, khiếu nại từ người dùng…

Giới doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nội dung chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó thực thi, gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp Việt Nam; có những nội dung quy định chưa tương thích với quy định tại một số luật hiện hành...

Ghi nhận ý kiến góp ý, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị định căn cứ vào thực tế và ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần đảm bảo quyền lợi người sử dụng, hiệu quả quản lý và lợi ích doanh nghiệp. Ban soạn thảo khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định, bảo đảm chất lượng, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.

Rào cản níu chân thương mại điện tử xuyên biên giới
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là cánh cửa mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt, nhưng còn khá nhiều rào cản mà doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư