Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quản lý thuế doanh nghiệp còn khó khăn
Lê Thị Kiều Nga * - 24/07/2013 09:15
 
Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 đã loại bỏ nhiều điểm chưa rõ ràng, làm tăng tính minh bạch trong quy định quản lý thuế, nhưng vẫn còn một số nhược điểm gây khó khăn cho hoạt động của DN.

Giảm thuế suất thuế thu nhập DN là xu hướng toàn cầu

Thuế suất thuế thu nhập DN và thuế gián thu của các nước trên thế giới thay đổi thường xuyên. Một số nước tăng thuế suất thuế gián thu để tăng thu ngân sách.

Luật Quản lý thuế sửa đổi còn một số nhược điểm
gây khó khăn cho hoạt động của DN.

Trong khi đó, một số nước khác giảm thuế suất thuế thu nhập DN để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thống kê cho thấy, mức thuế suất ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bình quân khoảng 22%, thấp hơn mức 25% hiện tại ở Việt Nam.

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khi giảm thuế thu nhập DN xuống 22% trong năm 2014 và tiếp tục giảm xuống còn 20% trong năm 2016 được nhiều người coi là một bước đi chiến lược, nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Quản lý mức thuế suất thực tế vẫn còn khó khăn

Suy thoái kinh tế đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Chính phủ. Các cơ quan thuế địa phương đang chịu sức ép phải thu thuế nhiều hơn trong khi nguồn thu lại ít đi. Cơ quan thuế địa phương ngày càng tích cực hơn trong việc thanh, kiểm tra thuế.

Họ đưa ra nhiều điều chỉnh thuế, xử phạt mạnh tay hơn, dẫn đến nhiều khiếu nại từ phía người nộp thuế. Trong những năm gần đây, khiếu nại thuế đã trở nên phổ biến và gay gắt, bởi người nộp thuế cho rằng, họ phải gánh mức thuế suất thực tế cao hơn nhiều so với mức thuế suất theo luật.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do thói quen không tuân thủ của một số người nộp thuế và một phần cũng do các quy định hiện hành chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau của các cơ quan thuế địa phương về cùng một vấn đề.

Lấy quy định về mức khống chế được khấu trừ đối với chi phí quảng cáo khuyến mại làm ví dụ. Mức khống chế này - được quy định chung là 10% (hoặc 15% trong 3 năm đầu tiên kể từ khi thành lập) - có thể hợp lý đối với một số lĩnh vực này, nhưng lại không hợp lý đối với những lĩnh vực khác cần chi phí quảng cáo khuyến mại lớn.

Quy định này tạo ra sự không công bằng giữa các DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, thể hiện sự thiếu sót của luật pháp. Những thiếu sót như vậy có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài do dự khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Một số chi phí cho đối tác kinh doanh để duy trì mối quan hệ và chi phí để nâng cao tinh thần và năng suất cho người lao động cũng bị giới hạn. Mặc dù trên thực tế, những chi phí này là cần thiết đối với DN, nhưng thường bị cơ quan thuế không chấp nhận là chi phí hợp lệ, với lý do các chi phí này không liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN.

Một nhược điểm nữa trong quy định hiện hành là yêu cầu DN thông báo định mức tiêu hao nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất. Trên thực tế, quy định này gây nhiều khó khăn cho DN.

Ví dụ về một DN sản xuất linh kiện nhựa cho điện thoại di động, hoặc máy tính. Những sản phẩm này có vòng đời ngắn, do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu biến động của thị trường. Việc thông báo định mức nguyên vật liệu chính cho hàng ngàn sản phẩm này là không khả thi.

Tuy nhiên, nếu DN không thực hiện, cơ quan thuế có thể ấn định chi phí nguyên vật liệu, mà chi phí này sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế phát sinh. Khi đó, chi phí thuế của DN sẽ tăng lên đáng kể và mức thuế suất thực tế sẽ cao hơn rất nhiều so với mức 25% theo luật định.

Tiến triển cải cách thuế

Trong nỗ lực cải cách hệ thống thuế, Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 đã loại bỏ nhiều điểm chưa rõ ràng, làm tăng tính minh bạch trong quy định quản lý thuế. Một số điểm nổi bật trong Luật Quản lý thuế sửa đổi như kê khai thuế điện tử, thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.

Khi thực hiện Luật Quản lý thuế sửa đổi, sự phức tạp và không rõ ràng trong quy định về quản lý thuế mà doanh nghiệp đang gặp phải sẽ dần được gỡ bỏ và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.n

(*) Thành viên điều hành Công ty TNHH KPMG

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư