Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quản lý xuất khẩu lao động bằng bộ quy tắc ứng xử
Hải Hà - 25/09/2014 20:56
 
() Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động được giám sát và xếp hạng thông qua Bộ quy tắc ứng xử COC-VN. Tuy nhiên, cái khó là bộ quy tắc này mới thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
10 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2014
Đưa 281 lao động Việt Nam tại Libya về nước
Nghiêm khắc với lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn
Dẹp loạn tuyển lao động sang Đài Loan
14 công ty không được đưa lao động sang Đài Loan

Doanh nghiệp hưởng lợi từ Bộ quy tắc ứng xử COC-VN

COC-VN là bộ quy tắc nhằm cải thiện việc tuân thủ pháp luật trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế về di cư lao động, tăng cường quản lý DN và bảo vệ lao động di cư, tránh bị bóc lột, do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ xây dựng.

  Quản lý xuất khẩu lao động bằng bộ quy tắc ứng xử  
  Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động được giám sát và xếp hạng thông qua Bộ quy tắc ứng xử COC-VN   

Tại Hội nghị đánh giá năm thứ hai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử COC-VN vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, việc áp dụng COC-VN sẽ tăng cường sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, phòng tránh vi phạm trong quá trình tuyển dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ của DN.

Chính thức áp dụng tại Việt Nam năm 2010, đến năm 2012, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) đã triển khai thử nghiệm giám sát, đánh giá 20 DN trong năm đầu thử nghiệm (4/2012 - 5/2013) và năm thứ hai (5/2013-5/2014) giám sát, đánh giá 47 DN.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS cho biết, với 4 nhóm xếp hạng từ xuất sắc (A1, A2), tốt (B1, B2), trung bình (C1, C2) và yếu (D1, D2), năm nay, 23% DN được xếp hạng cao nhất (A1) về tuân thủ pháp luật trong nước và tiêu chuẩn quốc tế về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Là một trong số những DN được xếp hạng A1, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ kỹ thuật và Xuất nhập khẩu (Techsimex) nhận xét, COC-VN là thước đo chuẩn mực nhất đối với hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của DN Việt Nam.

Theo bà Thanh, với việc áp dụng Bộ quy tắc ứng xử vào hoạt động, Techsimex đã có điều kiện, cơ sở để chuẩn hóa toàn bộ hoạt động từ khâu tuyển chọn đầu vào, đào tạo đến các nghiệp vụ, thủ tục đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, công tác quản lý người lao động tại nước ngoài và hỗ trợ lao động tìm việc làm sau khi về nước.

Điều này càng đặc biệt quan trọng khi thị trường xuất khẩu lao động có nhiều biến động, như bất ổn ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông. Hay việc một số thị trường cần lao động Việt Nam, nhưng lại áp đặt chính sách “bia kèm lạc”, như một đơn hàng của Saudi Arabia gần đây đưa ra ràng buộc rằng, nếu DN Việt Nam không cung ứng đủ 10% tổng số lao động giúp việc gia đình, thì họ sẽ không làm thủ tục cấp visa cho số lao động đi làm ngành nghề khác.

Chưa bắt buộc thực hiện COC-VN

Kết quả xếp hạng qua 2 năm thử nghiệm cho thấy, các DN được xếp hạng đều đạt từ mức tốt (B1, B2) đến mức xuất sắc (A1, A2), không có DN xếp hạng trung bình (C1, C2) và yếu (D1, D2). Điều này đồng nghĩa với việc, những DN yếu kém, vi phạm nhiều vẫn chưa nằm trong diện giám sát và kiểm tra.

Mặc dù việc thực hiện COC-VN được cả phía người lao động, DN và cơ quan quản lý đánh giá là có lợi, nhưng cái khó là việc này được triển khai trên tinh thần tự nguyện của DN.

Ông Trào thừa nhận, hiện chỉ có 47 DN được đánh giá, chiếm 26,7% tổng số DN được cấp phép cung ứng lao động ra nước ngoài, cung cấp khoảng 50% tổng số lao động đi xuất khẩu lao động. Thực tế này cho thấy, mới chỉ có DN lớn quan tâm thực hiện COC-VN.

Theo bảng xếp hạng năm nay, có 6 DN được nâng hạng so với năm trước, nhưng cũng có 5 DN bị tụt hạng do có những vi phạm.

Nguyên nhân chủ yếu làm DN bị trừ điểm, theo ông Trào, là do DN vi phạm nguyên tắc về tuân thủ các quy định của pháp luật, bị phạt hành chính hoặc tạm dừng cung ứng lao động có thời hạn lao động vào một thị trường do có khiếu nại của người lao động hoặc đóng phí xuất khẩu lao động chưa đầy đủ hoặc chưa tuân thủ nguyên tắc về xây dựng quan hệ đối tác.

Theo nghiên cứu của ILO, nguồn cung lao động từ những nước có thu nhập thấp thường cao hơn nhiều so với nhu cầu tiếp nhận, dẫn tới tình trạng người lao động có nguy cơ cao bị lạm dụng trong quá trình tuyển dụng. Những biểu hiện của việc lạm dụng là người lao động phải trả các loại chi phí cao, thông tin sai lệch, không thực hiện đúng các nghĩa vụ trách nhiệm trong bố trí việc làm và thay đổi nội dung hợp đồng.

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Lao động di cư không còn là giải pháp chỉ để xóa đói giảm nghèo nữa, mà Việt Nam nên tiếp tục coi trọng chất lượng dịch vụ tuyển dụng và bảo vệ người lao động tốt hơn để hưởng lợi tối đa từ quá trình di cư”.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẳng định, việc đánh giá, giám sát DN thông qua COC-VN sẽ trở thành hoạt động thường niên và tiến tới áp dụng cho toàn bộ DN đã được cấp phép xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể trở thành hiện thực khi buộc mọi DN xuất khẩu lao động phải thực hiện COC-VN.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư