Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quan ngại mới về nợ công
Anh Minh - 21/07/2015 11:19
 
Cơ cấu nợ công của Việt Nam đang xuất hiện những tín hiệu đáng quan ngại.

Dù nợ công của Việt Nam mới gần chạm ngưỡng giới hạn cho phép (65% GDP - theo Chiến lược Nợ công đến năm 2020), các tiêu chí an toàn nợ công theo luật định cùng khả năng trả lãi và nợ gốc đến hạn vẫn bảo đảm, nhưng theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cơ cấu nợ công của Việt Nam đang xuất hiện những tín hiệu đáng quan ngại.

Thứ nhất là tỷ lệ chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách nhà nước liên tục tăng (hiện lên tới 60%) đang gây áp lực lên cân đối ngân sách. Mặc dù Việt Nam chưa phải vay để chi thường xuyên, song trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng quy mô lớn vẫn hết sức cấp thiết, đang đòi hỏi phải vay nợ nhiều hơn để tài trợ đầu tư phát triển.

Đáng lưu ý là, nợ trong nước đang là nhân tố chủ yếu khiến nợ công tăng nhanh, trong khi tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng nợ công có xu hướng giảm. Nếu năm 2012, nợ trong nước là 744.521 tỷ đồng, nợ nước ngoài là 878.062 tỷ đồng trong tổng nợ công là 1.647.124 tỷ đồng, thì đến năm 2014, nợ trong nước đã lên tới 1.229.231 tỷ đồng, nợ nước ngoài là 1.085.637 tỷ đồng trong tổng nợ công 2.346.972 tỷ đồng.    

.

 

 

 

Quan ngại thứ hai là lượng phát hành trái phiếu chính phủ (nguồn chính của vay nợ nội địa) tăng nhanh. Tổng khối lượng trái phiếu được phát hành đến năm 2014 đã lên tới 235.497 tỷ đồng, cao gấp 8,4 lần năm 2010. Số tiền thu được một phần để đầu tư trực tiếp cho các dự án trong nước và sử dụng với tư cách là vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Quan ngại thứ ba là kỳ hạn của trái phiếu chính phủ phát hành gần đây tương đối ngắn, với 44% lượng trái phiếu phát hành năm 2014 có kỳ hạn dưới 3 năm. Tính bình quân, kỳ hạn trung bình của trái phiếu chính phủ tại Việt Nam từ năm 2010 đến 2014 là 4,5 năm, trong khi con số này ở Nhật Bản là 9,6 năm. Khối lượng trái phiếu tăng nhanh trong khi kỳ hạn ngắn lại sẽ khiến nợ công tiếp tục tăng khi các cơ quan quản lý tài chính phải phát hành thêm để đáo nợ.

Như vậy, cùng với việc nhận diện chính xác nguồn gốc nợ công để có giải pháp trúng và đúng, đã đến lúc, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể về nợ công. Theo đó, phải xem xét từ hạn mức vay và trả nợ trong tổng thể chiến lược nợ công 10 năm, kế hoạch vay và trả nợ trung hạn 3 năm, vấn đề sử dụng hiệu quả vốn vay... đến việc không ban hành các chính sách vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

Trước mắt, cần giảm bội chi ngân sách xuống mức thấp nhất bằng cách sử dụng số thu vượt dự toán hằng năm để chi trả nợ, phấn đấu giảm bội chi xuống 3 - 4%/năm; triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, đặc biệt chỉ được vay để chi đầu tư phát triển, tuyệt đối không vay để chi thường xuyên.

Sau nữa và quan trọng nhất là phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chỉ dành vốn vay cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, làm nền tảng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó Chính phủ có nguồn thu để trả nợ. Nếu sử dụng vốn vay không hiệu quả, đầu tư tràn lan, công trình dự án dở dang, thì tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng, thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài, nguồn lực tài chính bị thất thoát... sẽ dần dẫn đến mất khả năng trả nợ.

Ngoài các giải pháp trên, việc ban hành các chính sách xã hội cũng cần dựa vào khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng trưởng bền vững. Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo được an toàn nợ công, tránh đi vào vết xe đổ của Hy Lạp hay những quốc gia từng phải trả giá quá đắt do rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng nợ công./.

IMF: Lạc quan tăng trưởng, lo ngại nợ công
Tại buổi công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương Mùa Xuân 2015 cuối tuần qua, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư