Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Bình hướng đến trở thành trung tâm năng lượng miền Trung
Ngọc Tân - 16/01/2021 09:09
 
Ngày 17/1 tới, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư sẽ chính thức khởi công.
Một Dự án điện mặt trời đang được triển khai xây dựng tại khu vực ven biển huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)
Một dự án điện mặt trời đang được triển khai xây dựng tại khu vực ven biển huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)

Dự án không chỉ tạo điểm nhấn trong thu hút đầu tư vào Quảng Bình, mà còn mở ra triển vọng mới về phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng trên dải đất này.

Điểm sáng mới

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp năng lượng phát triển hết sức mạnh mẽ ở Việt Nam. Tại Quảng Bình, mặc dù công nghiệp năng lượng được xem là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, song so với một số địa phương khác như Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, thì Quảng Bình chưa tạo ra nhiều dấu ấn, mặc dù về tiềm năng phát triển không hề thua kém. Với việc Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I - dự án trọng điểm quốc gia về lĩnh vực năng lượng được bấm nút khởi công, Quảng Bình bắt đầu trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng cho biết, về tiềm năng lợi thế, Quảng Bình có nhiều điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Quảng Bình có tổng diện tích 8.065 km2, dân số gần 900.000 người, quỹ đất vẫn còn tương đối nhiều. Về vị trí địa lý, Quảng Bình là tỉnh ven biển, có địa thế lưng tựa vào dãy Trường Sơn, tiếp giáp với Lào và là điểm kết nối tất cả các tuyến giao thông hành lang Bắc -  Nam. Đặc biệt, Quảng Bình cũng là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây thông qua cửa khẩu Cha Lo và đi xuống cảng Hòn La để hướng ra biển.

“Bên cạnh khu vực phía Tây là đồi núi, Quảng Bình còn có gần 120 km đường bờ biển, đây là khu vực có địa hình khá bằng phẳng, quỹ đất rộng rãi. Điều này tạo ra dư địa phát triển rất lớn về không gian, thuận lợi cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn”, ông Thắng nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ vị trí nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, do vậy, chế độ nhiệt của Quảng Bình thể hiện tính chất nhiệt đới gió mùa, với một nền nhiệt độ cao và phân bố đồng đều quanh năm.

Tại khu vực đồng bằng ven biển, số giờ nắng trong năm được ghi nhận đạt từ 1.650 - 1.820 giờ, cường độ bức xạ trung bình ngày theo tháng và năm đạt khoảng 4,03 - 4,545 kWh/m2/ngày, tổng lượng bức xạ đạt 1.256,04 ÷ 1.418,86 kWh/m2/năm (nguồn số liệu của NASA). Đối với điện gió, theo khảo sát từ các nhà đầu tư, vận tốc gió bình quân ghi nhận tại khu vực trên biển và đất liền ở Quảng Bình đạt từ 6 - 6,75m/s (độ cao 120 m).

Với những điều kiện như vậy, hiện nay UBND tỉnh Quảng Bình đã đăng ký tổng công suất dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia khoảng 3.889 MW, với điện mặt trời là khoảng 1.241,5 MWp.

Hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng

Trong làn sóng đầu tư vào ngành năng lượng những năm gần đây, nhờ điều kiện thuận lợi, Quảng Bình bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà đầu tư.

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, bên cạnh việc khởi công xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, để kịp đưa vào vận hành Tổ máy số 1 năm 2023, Tổ máy số 2 năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang xúc tiến triển khai Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II để hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2028 - 2029. Với dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành và địa phương. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành việc lấy ý kiến của 12 bộ, ngành, địa phương và đang hoàn thiện báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, trong tháng 3/2020, liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đồng Tâm và Công ty Quadran International thuộc Tập đoàn Lucia (Pháp) cũng đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư dự án điện gió trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự án được đề xuất thực hiện ngoài khơi ven biển khu vực thị xã Ba Đồn và huyện Bố Trạch với tổng công suất 711,2 MW, quy mô sử dụng mặt nước 79 ha, tổng mức đầu tư 28.103 tỷ đồng. Hiện dự án đã được UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) và dự kiến tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình năm 2021 diễn ra vào chiều 17/1, dự án sẽ được ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư và UBND tỉnh.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi triển khai đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 dự án đã được tỉnh giới thiệu cho nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; trong đó có 2 dự án đã triển khai xây dựng là Dự án Điện mặt trời Dohwa, công suất 49,5 MWp, tổng vốn đầu tư 55,6 triệu USD, đã đi vào vận hành và Dự án cụm trang trại điện gió B&T, 252 MW, tổng vốn đầu tư  8.904 tỷ đồng, đã khởi công trong tháng 9/2020; 7 dự án được đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch.

Nhằm đảm bảo công suất đấu nối cho các dự án năng lượng mới trong tương lai, hiện nay tỉnh Quảng Bình cũng đã từng bước đầu tư cải tạo hệ thống truyền tải và lưới điện.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết, tính đến nay, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn thiện. Hiện lưới điện 500 kV trên địa bàn tỉnh có 2 đường dây, chiều dài hơn 250 km. Lưới điện 220 kV có 2 trạm biến áp, 5 đường dây 220 kV, chiều dài 330 km. Lưới điện 110 kV có 10 trạm biến áp 110 kV và chiều dài 320 km. Hệ thống điện phân phối với đường dây trung thế chiều dài 2.228 km, hệ thống đường dây hạ thế dài 3.383 km và 2.454 trạm biến áp phân phối, dung lượng 570 MVA.

“Hiện nay, ngành điện lực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng mạch 3 đường dây 500 kV và sân phân phối 500 kV Quảng Trạch. Dự kiến các dự án này hoàn thành vào năm 2021”, ông Hải cho biết.

Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, với hạ tầng ngành điện đã và đang xây dựng, cùng những lợi thế cơ bản để phát triển, Quảng Bình được quy hoạch thành trung tâm phát triển năng lượng lớn của cả nước.

“Quảng Bình xác định công nghiệp, trong đó có công nghiệp năng lượng là ngành kinh tế trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để phát triển theo mục tiêu đề ra, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Quảng Bình thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình còn có chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng đối với các dự án trọng điểm có tính đột phá, các dự án khác thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư, trong đó có công nghiệp năng lượng”, ông Trần Thắng thông tin.

Vay 24.448 tỷ đồng đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn II
EVN được giao kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư của dự án để đảm bảo xác định giá bán điện của Dự án hợp lý, cạnh tranh và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư