Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Bình: Khát vọng ra biển lớn nhìn từ chiến lược đầu tư hạ tầng giao thông
Ngọc Tân - 01/08/2016 09:31
 
Kể từ khi trở thành “vương quốc hang động” của thế giới, sau khi tìm ra hang Sơn Đòong, chưa bao giờ, Quảng Bình lại trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư như hiện nay, khi nhiều nhà đầu tư liên tục đăng ký các dự án lớn vào tỉnh, trên tất cả các lĩnh vực. Đón nhận làn sóng mới, Quảng Bình đã chủ động tập trung nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm làm đòn bẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.

Điểm nhấn từ Sơn Đòong

Trước đây, Quảng Bình được xem là một địa phương nghèo, “đặc sản” được nhiều người biết đến là hai thứ gió Lào và cát trắng. Gió và cát khô khốc, ăn sâu vào tiềm thức con người nơi đây, cùng cái nghèo đeo đẳng mãi tưởng chừng như không dứt.

Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới đến trước những năm 2005, điểm sáng “le lói” của Quảng Bình cũng chỉ là động Phong Nha, một tuyệt tác của tạo hoá được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của Quảng Bình lúc bấy giờ. Tuy vậy, do cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, dịch vụ du lịch thiếu thốn, nên Phong Nha  - Kẻ Bàng chưa đủ sức lôi kéo đông đảo du khách như các điểm du lịch thuộc những địa phương lân cận.

Quảng Bình đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các KKT, KCN đón làn sóng đầu tư.
Quảng Bình đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các KKT, KCN đón làn sóng đầu tư.

Những năm đầu thế kỷ 21, công trình Đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực miền Tây Quảng Bình được hoàn thành, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm Đồng Hới lên Phong Nha – Kẻ Bàng. Những công trình phụ trợ phục vụ du lịch được xây dựng nhiều hơn, đã giúp Phong Nha – Kẻ Bàng trở nên hút khách. Và điểm nhấn để du lịch Quảng Bình phát triển mạnh mẽ như hôm nay, chính là sự kiện ngày 22/4/2009, phái đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố việc phát hiện hang Sơn Đoòng và công bố đây là hang lớn nhất thế giới.

Vẻ đẹp tráng lệ, kỳ ảo của Sơn Đòong ngay lập tức đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Từ đây, Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động” thế giới, kéo theo đó một lượng lớn khách quốc tế liên tục đổ về.

Tiếng vang từ Sơn Đòong không chỉ giúp cho lĩnh vực du lịch phát triển, mà quan trọng hơn nó đã khiến các nhà đầu tư bắt đầu chú ý đến Quảng Bình ở cả những lĩnh vực khác như bất động sản nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, giao thông vận tải, logistics... Nắm bắt được thời cuộc, Quảng Bình đã dồn toàn lực vào việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, để đón đầu làn sóng đầu tư  mới.

Ông Đinh Hữu Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết: “Với quan điểm hạ tầng giao thông phải đi trước làm động lực cho phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Bình đã huy động các nguồn lực, từ vốn ngân sách trung ương, vốn địa phương, trái phiếu chính phủ, ODA, vốn xã hội hoá… để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nhất là những công trình giao thông có tính lan toả, kết nối liên vùng, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào tỉnh”.

Đồng bộ hạ tầng giao thông làm tiền để phát triển kinh tế

Trước hết, tỉnh tập trung toàn lực vào việc đầu tư xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng hải, cho đến đường hàng không. Đầu tư nâng cấp hệ thống các tuyến giao thông trọng yếu vào đúng cấp bậc kỹ thuật quy định. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng có tính chiến lược như mở rộng sân bay Đồng Hới, cảng Hòn La, mở rộng Quốc lộ 1A, cầu Nhật Lệ 2…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, tính đến thời điểm này, Quảng Bình đã hoàn thành các dự án hạ tầng, giao thông quan trọng như mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh, mở rộng nâng cấp đoạn Minh Cầm – Đồng Lê, Quốc lộ 12A, cải tạo nâng cấp đoạn Khe Ve – Cha Lo…

Cùng với việc nâng cấp xây dựng tuyến Quốc lộ 12A, Dự án nâng cấp xây dựng cảng Hòn La giai đoạn 2 cũng đang được triển khai các thủ tục đầu tư (tổng vốn khoảng 1.200 tỷ đồng). Dự kiến trong tương lai, cảng Hòn La sẽ trở thành cảng biển tổng hợp, có khả năng đón các loại tàu công suất từ 30.000 đến 50.000 tấn.

“Cả hai dự án sẽ góp phần tạo điều kiện cho giao thương buôn bán giữa tỉnh Quảng Bình và các nước bạn Lào, Thái Lan, được diễn ra thông suốt, thuận lợi. Trên cơ sở này, CTCP Lao Petro đã quyết định chọn tuyến đường Quốc lộ 12A và cảng Hòn La làm cảng xuất phát trong việc đầu tư Dự án xây dựng Kho ngoại quan và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ cảng biển Hòn La đến tỉnh Khăm Muộn (Lào), với tổng vốn đầu tư 680 triệu USD”,  ông Thành cho biết.

Hiện nay, ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những công trình hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch tại Phong Nha- Kẻ Bàng, Quảng Bình còn chuyển hướng sang thu hút đầu tư vào du lịch biển, một trong những lĩnh vực tiềm năng được các nhà đầu tư đánh giá không hề thua kém bất cứ địa phương ven biển nào. Để thực hiện được điều này, tỉnh đã tiến hành xây dựng cầu Nhật Lệ 2 nối trung tâm Đồng Hới với xã biển Bảo Ninh, xây dựng Trục đường chính Bắc - Nam rộng 60m tại xã Bảo Ninh (Đồng Hới).

“Những công trình này không chỉ nhằm mở rộng phát triển đô thị Đồng Hới về phía Đông, mà đây chính là tiền đề thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển”, ông Thành chia sẻ.

Không chỉ thu hút đầu tư khai thác du lịch tại xã biển Bảo Ninh, nơi có bãi tắm Nhật Lệ nổi tiếng, mà một dải bờ biển kéo dài từ huyện Quảng Ninh cho đến hết huyện Lệ Thủy cũng được tỉnh đưa vào tầm ngắm. Để hiện thực hoá, Quảng Bình đã đầu tư xây dựng tuyến đường tránh lũ đi xuyên khu vực cát trắng địa phận hai huyện Quảng Ninh - Lệ Thủy với điểm đầu là trạm thu phí Cầu Gianh, điểm cuối tại xã Hưng Thuỷ - Lệ Thủy.

Tuyến đường hoàn thành, một dải cồn cát mênh mông trước kia, vốn tượng trưng cho cái nghèo đeo đẳng, bỗng chốc trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhà đầu tư lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Nhanh chân nhất chính là FLC với Đại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mạivà giải trí cao cấp FLC tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh) và xã Hồng Thủy (Lệ Thủy). Dự án có tổng mức đầu tư 8.400 tỷ đồng với diện tích sử dụng đất khoảng 1.977 ha.

Ngoài FLC, những ông lớn khác như Vingroup, Bavico, An Việt…cũng đã có những hoạt động nghiên cứu, xem xét đánh giá nhằm thực hiện các dự án đầu tư đầy tham vọng của mình.

Ông Nguyễn Trường Tiêu, Giám đốc CTCP Xí nghiệp may Hà Quảng – Tổng công ty May 10 cho rằng: “Hiện nay, hệ thống đường giao thông tại KCN nhìn chung tương đối tốt, tuy nhiên cũng cần phải có thêm các công trình văn hoá cộng đồng để công nhân có điều kiện tham gia hoạt động giải trí ngoài giờ làm việc. Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh tại KCN phải được chú trọng  trong thời gian tới”.

Ông Đinh Hữu Thành cho biết, trong thời gian qua, mặc dù cơ sở hạ tầng tỉnh Quảng Bình tuy đã có bước phát triển, tỷ trọng vốn đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông liên tục tăng lên, tuy vậy, so với yêu cầu chung, sự phát triển của hệ thống giao thông chưa tạo được bước đột phá cho nền kinh tế. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, đầu tư công thắt chặt, Quảng Bình xác định huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư vẫn là giải pháp quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, nhằm tạo động lực thu hút các nhà đầu tư lớn vào tỉnh.

Ông Thành khẳng định: “Đây vẫn sẽ là một hướng đi tỉnh tiếp tục chú trọng trong thời gian tới. Để làm được điều này, tỉnh sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”.

Nhiều điều kỳ thú đang chờ đón khách du lịch tới Quảng Bình
Chiều ngày 22/6, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị Quảng bá và Xúc tiến du lịch tại TP. Đà Nẵng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư