Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Nam định vị chuỗi liên kết nhằm bứt tốc đầu tư
Sơn Thắng - 25/03/2017 09:28
 
Quảng Nam đang định hướng phát triển kinh tế toàn diện và bền vững, kết nối với Đà Nẵng và Quảng Ngãi, tạo thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung bộ.
TIN LIÊN QUAN

Thế tạo hướng phát triển

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ định hướng xây dựng tỉnh Quảng Nam thành một mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung bộ.

“Muốn như vậy, tỉnh phải có nhiều nguồn lực, phải xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỉnh cần sáng tạo, chủ động trong phát triển”, Thủ tướng chỉ đạo.

Toàn cảnh đô thị cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Thành Chương
Toàn cảnh đô thị cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Thành Chương

Thủ tướng cũng định hướng, Quảng Nam phải tái cơ cấu nền kinh tế để lan tỏa sự phát triển toàn diện, tận dụng, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ gợi mở cho Quảng Nam một hướng phát triển rõ ràng, mà còn định vị được vị thế Quảng Nam trong việc hình thành “tam giác phát triển” Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi trong tương lai.

Dưới góc nhìn đầu tư, chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam vừa được lãnh đạo tỉnh phê duyệt dựa trên thế tương tác giữa Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Một đầu có thế mạnh vượt trội về dịch vụ và đô thị, một đầu là Khu kinh tế Dung Quất, cái nôi của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam. Sự tương tác này thể hiện rõ qua 6 nhóm chương trình và dự án trọng điểm mà Quảng Nam xây dựng phát triển vùng Đông Quảng Nam, mà trong đó vấn đề quy hoạch đã phần nào thể hiện rõ định hướng phát triển của tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.

Trọng tâm lớn nhất của Quảng Nam là phát triển chuỗi đô thị ven biển, kéo dài từ đô thị cổ Hội An đến huyện Núi Thành, qua đó kết nối với các đô thị hiện hữu như Hội An, Vĩnh Điện, Thăng Bình, Tam Kỳ... để hình thành nên một chuỗi đô thị phát triển. Phương án này khá phù hợp với điều kiện phát triển của phía Bắc Quảng Nam, khi giáp với TP. Đà Nẵng đang có tốc độ đô thị hóa cao.

Sự tương tác hai đầu của Quảng Nam được thể hiện qua sự đan xen giữa nhiều loại hình thái phát triển đa dạng như ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp khí - điện; công nghiệp du lịch, dịch vụ, dệt may... trong tổng thể định hướng phát triển hướng Đông của Quảng Nam. Trong đó, đô thị, dịch vụ mà điểm nhấn là Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ tác động trực tiếp đến 4 xã Duy Nghĩa, Duy Hải, Bình Minh, Bình Dương của 2 huyện Duy Xuyên và Thăng Bình.

Nhóm công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô lấy Tập đoàn Trường Hải làm đòn bẩy, hướng đến mục tiêu xây dựng nơi đây thành trung tâm công nghiệp ô tô của cả nước. Nhóm công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ, tạo ra chuỗi giá trị cạnh tranh toàn cầu từ Khu công nghiệp Tam Thăng.

Nhóm dự án, chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với Sân bay Chu Lai, với định hướng biến khu vực này thành địa điểm trung chuyển trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Nhóm dự án khí - điện và ngành công nghiệp sử dụng năng lượng sản phẩm sau khí được khai thác từ Dự án Cá Voi Xanh đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon Mobil (Hoa Kỳ) đề xuất xây dựng tại KCN Tam Quang trong Khu kinh tế mở Chu Lai với diện tích sử dụng lên đến 1.000 ha….

Lực hiện thực hóa chiến lược

Lợi thế đã giúp Quảng Nam xây dựng cho mình một chiến lược phát triển mang tính toàn diện, nhưng để hiện thực hóa được chiến lược đó, Quảng Nam phải dựa trên tiềm lực hiện có.

Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Chu Lai hội đủ lợi thế để trở thành trung tâm công nghiệp ô tô của cả nước. Nhận định này có cơ sở khi Tổ hợp công nghiệp ô tô của Trường Hải đang tạo nên điểm sáng cho Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo lực hút cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ cho cả khu kinh tế trong tương lai gần.

Trong khi đó, Dự án khai thác khí mỏ Cá Voi Xanh không còn là ý tưởng nữa, mà đang dần trở thành hiện thực. Sân bay Chu Lai, một hạng mục hạ tầng quan trọng phục vụ cho cả Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất sẽ được một đối tác lớn đầu tư, phát triển dự án nâng cấp, mở rộng, dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận trong dịp Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này.

Để tạo bước ngoặt cho việc hiện thực hóa chiến lược phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư tuyến đường ven biển nối từ Hội An đến Chu Lai, điểm đầu là cầu Cửa Đại kết nối giữa phố cổ Hội An với cả tuyến ven biển phía Nam, mở toang cánh cửa phát triển cho khu vực này.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, từ những nguồn lực hiện có, tỉnh Quảng Nam có thể tạo nên sự bứt phá mang tính bước ngoặt trong những năm tới. Định hướng “Quảng Nam cùng với Đà Nẵng và Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung Trung bộ” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đang dần thành hiện thực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư