Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quảng Nam tạo sức bật từ 6 nhóm kinh tế chủ lực
Hà Minh - 24/04/2016 08:22
 
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 46%, dịch vụ chiếm 47,5%. Để đạt được mục tiêu quan trọng này, một kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ càng, chi tiết, với 6 nhóm chương trình, dự án trọng điểm.
TIN LIÊN QUAN

Tạo việc làm tại quê hương

Để xây dựng kế hoạch này, tỉnh Quảng Nam dựa trên trục xương sống đường ven biển mới được khánh thành, bắt đầu từ cầu Cửa Đại (đô thị cổ Hội An), đến điểm cuối là Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai (huyện Núi Thành).

Có lẽ chưa có kế hoạch nào lại chi tiết, cụ thể đến thế. Trong đó, đan xen giữa nhiều loại hình thái phát triển đa dạng như ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến khí - điện; công nghiệp du lịch, dịch vụ, dệt may và hơn hết là an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho cư dân ven biển, an toàn tàu thuyền...

Về phát triển đô thị, dịch vụ, điểm nhấn là Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ tác động trực tiếp đến 4 xã Duy Nghĩa, Duy Hải, Bình Minh, Bình Dương của 2 huyện Duy Xuyên và Thăng Bình.

Cầu Cửa Đại kết nối tuyến đường ven biển từ Hội An đến Chu Lai được đưa vào sử dụng, mở ra triển vọng lớn cho phát triển chuỗi đô thị vùng Đông Nam Quảng Nam
Cầu Cửa Đại kết nối tuyến đường ven biển từ Hội An đến Chu Lai được đưa vào sử dụng, mở ra triển vọng lớn cho phát triển chuỗi đô thị vùng Đông Nam Quảng Nam

Về nhóm công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, lấy Tập đoàn Ô tô Trường Hải làm đòn bẩy thực hiện “chiến dịch” vết dầu loang, tạo tác động lan tỏa, hướng đến mục tiêu xây dựng nơi đây thành trung tâm công nghiệp ô tô cả nước.

Nhóm công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ, mà như ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, thì phải tạo ra được chuỗi giá trị cạnh tranh toàn cầu từ KCN Tam Thăng. Hiện KCN này đã có chủ đầu tư tầm cỡ là Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc.

Nhóm dự án chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với Sân bay Chu Lai, định hướng biến khu vực này thành địa điểm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.

Nhóm dự án khí - điện và ngành công nghiệp sử dụng năng lượng sản phẩm sau khí được khai thác từ Dự án Cá Voi Xanh, đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon Mobil (Hoa Kỳ) đề xuất xây dựng tại KCN Tam Quang trong KKT mở Chu Lai, với diện tích sử dụng lên đến 1.000 ha.

Cuối cùng, nhóm chương trình dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tại vùng Đông Nam, nhằm tạo công ăn việc làm, neo trú tàu tại chỗ cho đa số người dân Quảng Nam cũng như các tỉnh bạn.

Theo ông Đỗ Xuân Diện, với các nhóm giải pháp này, tỉnh Quảng Nam sẽ tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương, phát triển các loại hình dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm ngay tại quê nhà.

Xây dựng cơ chế đặc thù

“Vạn sự khởi đầu nan”, những bước đi đầu tiên bao giờ cũng gặp những khó khăn, trở ngại. Theo ông Đỗ Xuân Diện, nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều tồn tại. Nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực qua đào tạo còn thiếu…           

Vì vậy, để thực hiện thành công những nhóm chương trình, dự án trọng điểm, sắp tới, UBND tỉnh Quảng Nam, Ban quản lý KKT mở Chu Lai sẽ tăng cường quản lý hiện trạng, tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý, tập trung giải quyết tốt các thủ tục cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Cân đối hợp lý vốn ngân sách để ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng vùng Đông Nam; có cơ chế về tài chính ổn định hàng năm trên cơ sở trích lại từ nguồn thu phát sinh trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai để tiếp tục giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch.

Cũng theo ông Diện, một trong những vấn đề trọng tâm là điều chỉnh, rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng. “Quan trọng là quản lý quy hoạch thật tốt để không phá vỡ những dự định, dự án ban đầu”, ông Diện nói.

Một yếu tố không kém phần quan trọng cho việc thực hiện thành công các nhóm chương trình, dự án trọng điểm, đó là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về ưu đãi đầu tư.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hiện hữu. Tập trung cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tạo môi trường đầu tư chuyên nghiệp, thông thoáng, có sự đồng hành mọi lúc, mọi nơi giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất của các dự án trọng điểm. Trong đó, đầu tư xây dựng trường đào tạo nghề tại khu vực Nam Hội An và Đông Tam Kỳ để đáp ứng yêu cầu lao động về lâu dài của các dự án, cũng như nhu cầu của thị trường lao động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư