Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Quảng Ngãi định hướng xây dựng nền nông nghiệp xanh
Phú Dương - 24/12/2023 09:02
 
Nông nghiệp vẫn được tỉnh xác định là ngành quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ngãi đang từng bước hướng tới nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn.
Ứng dụng công nghệ mới đã tạo những thành quả ban đầu cho nông nghiệp Quảng Ngãi
Ứng dụng công nghệ mới đã tạo những thành quả ban đầu cho nông nghiệp Quảng Ngãi

Những thành tựu ban đầu

Năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngã đạt 8.598 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 35% so với năm 2010 và chủ yếu đến từ các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn và Mộ Đức.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Quảng Ngãi như lúa (Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn); rau (Tư Nghĩa, Bình Sơn). Một số dự án khác đang được xây dựng như mô hình trồng khoai lang, tỏi voi Nhật, nấm (Mộ Đức); măng tây (Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ)…

Về chứng nhận VietGAP cho rau trồng, Quảng Ngãi có 2 cơ sở là Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ rau an toàn Sông Trà và Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNASAFE. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có 6,5 ha sản xuất của các tổ chức, cá nhân được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, huyện Trà Bồng đã xây dựng vùng quế chuyên canh, các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long xây dựng mô hình thâm canh trên đất gò đồi từng bước ứng dụng công nghệ cao, giúp nâng cao năng suất mía tại địa phương.

Một số sản phẩm nông nghiệp của Quảng Ngãi như tỏi Lý Sơn, hành tím Bình Hải, trà Minh Long, quế Trà Bồng đã được cấp chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp.

Trong những năm vừa qua, ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ngãi đã từng bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi từ quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi tập trung. Năm 2015, toàn tỉnh có 43 trang trại, đến năm 2019 đã có 63/129 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Quảng Ngãi có 2 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP. Một số trang trại chăn nuôi đạt hiệu quả như trang trại chăn nuôi lợn Đức Hòa với tổng đàn lợn thịt hơn 6.000 con; trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng an toàn sinh học của Công ty TNHH MTV Hà Tân; Dự án Cơ sở chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp sạch Phổ Cường của Công ty TNHH MTV Hằng Hiên.

Về thu hút đầu tư, đến cuối tháng 3/2023, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được 34 dự án vào lĩnh vực nông nghiệp và đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 168,07 tỷ đồng. Trong đó, 19 dự án đã hoạt động, 15 dự án đang triển khai.

Từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND về việc tổ chức hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; đến cuối tháng 3/2023, có 6 dự án đã được hỗ trợ với số tiền 13,943 tỷ đồng.

Năm 2022, từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch do UBND tỉnh giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Trong đó, 1 cơ sở áp dụng VietGAP trong sản xuất hành, tỏi; 6 cơ sở áp dụng HACCP trong sản xuất, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

 

Xây dựng nền kinh tế nông nghiệp

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4 - 5%/ năm.

Ngành nông nghiệp được định hướng phát triển ngành nông nghiệp chất lượng, giá trị, bền vững theo hướng tập trung hoá, hiện đại hoá, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, tổ chức tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng của lâm nghiệp và thủy sản.

Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung, trang trại trồng trọt, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chuyên canh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên lợi thế các vùng, địa phương trong tỉnh, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.

Theo đó, khu nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được dự kiến thành lập tại thị xã Đức Phổ; các huyện Nghĩa Hành, Sơn Hà, Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa.

Đến năm 2030, các lĩnh vực nông lâm thủy sản chủ lực của Quảng Ngãi là trồng trọt (lúa, rau củ quả), chăn nuôi (trâu bò, heo, gia cầm); đánh bắt thuỷ sản; trồng cây rừng lâu năm (các sản phẩm về gỗ, tín chỉ carbon).

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực là sản phẩm tỉnh, sản phẩm quốc gia và sản phẩm của từng địa phương. Trên cơ sở 3 sản phẩm này thì từng vùng miền, địa phương phát triển với sản lượng, quy hoạch vùng trồng vùng nuôi cho phù hợp; đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để sản xuất giống cây trồng đến sản phẩm tiêu thụ hiệu quả hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, tỉnh phát triển nông nghiệp chất lượng, giá trị, bền vững theo hướng tập trung hoá, hiện đại hoá, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, tổ chức tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng của lâm nghiệp và thủy sản.

Tìm nhà đầu tư cho dự án khu dân cư trăm tỷ đồng ở miền núi Quảng Ngãi
Quảng Ngãi vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời tìm nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư phía Đông bờ kè suối Tài Năng, thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư