Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ninh - Vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa
Thanh Sơn - 29/10/2023 17:07
 
Quảng Ninh không chỉ tự hào khi có Di sản thế giới vịnh Hạ Long được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, mà còn tự hào bởi bề dày truyền thống văn hóa lịch sử.
Ảnh minh họa
Quảng Ninh có địa hình đa dạng, đủ cả biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi

Dấu ấn đặc sắc

Văn hóa Quảng Ninh thể hiện đậm nét sắc thái vùng Đông Bắc Tổ quốc, là sản phẩm của sự giao lưu, hội tụ, kết hợp giữa văn hóa bản địa và văn hóa các vùng miền. Khu vực Đông Bắc của Quảng Ninh là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu... Qua thời gian, cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, từ những làn điệu dân ca đến phong tục, lễ hội truyền thống, trang phục, ẩm thực... tạo nên dấu ấn văn hóa đặc sắc.

Quảng Ninh có địa hình đa dạng, đủ cả biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi. Điều kiện tự nhiên phong phú này đã tạo cho Quảng Ninh những thắng cảnh nổi tiếng mà ít địa phương nào có được. Trong đó, biển đảo là dạng địa hình đặc trưng, tạo cho Quảng Ninh hình ảnh tự nhiên kỳ vĩ, không thể lẫn với nơi khác, là nền tảng tạo nên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Vườn quốc gia Bái Tử Long... Dạng địa hình trung du có hồ Yên Lập (Hoành Bồ), hồ Yên Trung và thác Lựng Xanh (Uông Bí), thác Mơ và rừng thông (Yên Hưng). Dạng địa hình đồi núi có rừng nguyên sinh Yên Tử, Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng...

Với sự quan tâm, đầu tư đúng mức, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực trong việc xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc. Đến nay, toàn tỉnh đã có những công trình văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế như: Bảo tàng - Thư viện, Công viên hoa Hạ Long, Quảng trường 30/10, Cột đồng hồ, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh...

Quảng Ninh còn có nét đặc sắc riêng với nền “văn hóa công nhân mỏ” được hình thành và phát triển gần 150 năm nay, gắn liền với quá trình lao động, đấu tranh cách mạng. Văn hóa vùng mỏ là sự kết hợp của hai yếu tố: những nét văn hóa truyền thống chắt lọc tinh hoa của khắp các vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời từ cuộc sống công nghiệp và mang đậm hơi thở của cuộc sống công nghiệp hiện đại, góp phần làm cho di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Ninh ngày càng phong phú, đa dạng.

Bên cạnh đó, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm chú trọng, như: Di sản vịnh Hạ Long, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, di tích đền Cửa Ông và nhiều di tích danh thắng khác. Đồng thời, việc đẩy mạnh lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới... sẽ tiếp tục góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn trong giao lưu, hội nhập, phát triển văn hóa, du lịch.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 600 di tích đã được kiểm kê, trên 100 di tích được xếp hạng, đặc biệt, có 8 di tích được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt gồm Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều; Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí); Khu di tích Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); vịnh Hạ Long; Khu di tích Cửa Ông - Cạp Tiên; Khu di tích Bác Hồ ở Cô Tô; Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (TP. Móng Cái); quần thể thương cảng Vân Đồn.

Những di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo ngày càng đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện để du khách gần xa tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Quảng Ninh.

Giá trị văn hóa phi vật thể quý báu

Nhiều loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu của các địa phương, các làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng và phát huy giá trị như: tục hát “đúm” trên biển làng chài Cửa Vạn; hát nhà tơ, hát múa cửa đình; lễ hội cấp sắc của dân tộc Dao, lễ đại phan của người Sán Dìu; lễ hội xuống đồng; lễ hội Lồng Tồng; múa sư tử mèo của người Tày...

Không chỉ thế, Quảng Ninh còn là một vùng đất giàu có về di sản văn hóa phi vật thể với hơn 2.800 hồ sơ. Đó là 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền; là hàng loạt di sản khác nhau, bao gồm: ngữ văn dân gian (gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm âm nhạc, múa hát, sân khấu); tập quán xã hội (gồm luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống...

Các lễ hội ở Quảng Ninh là những giá trị văn hóa phi vật thể quý báu, tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của người Quảng Ninh. Trong đó, phải kể đến những lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: Hội làng của đồng bào Dao ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ); lễ hội Soóng Cọ; lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu), lễ hội đình Trà Cổ (TP. Móng Cái), lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (huyện Đông Triều)...

Đặc biệt, nghi lễ Then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Năm 2019, Di sản Thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Quảng Ninh gắn biển nhiều công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh
Trong sáng ngày 22/10, tỉnh Quảng Ninh tổ chức gắn biển và khánh thành đồng loạt 6 công trình, chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư