Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 10 tháng 10 năm 2024,
Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Quỳnh Nga - 14/11/2023 16:06
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có các Quyết định đưa 5 Lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian trong tỉnh Quảng Ninh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 10/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các Quyết định 3421/QÐ-BVHTTDL, 3422/QÐ-BVHTTDL; 3423/QÐ-BVHTTDL; 3424/QÐ-BVHTTDL và 3425/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo các quyết định trên, Quảng Ninh có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); Lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) và Lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên).

Miếu Tiên Công nơi diễn ra lễ hội Tiên Công. Ảnh: baoquangninh.vn

Như vậy đến nay, Quảng Ninh có tổng cộng 12 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bảy Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được công nhận trước đó gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); lễ hội đền Cửa Ông; lễ hội Tiên Công; lễ hội đình Trà Cổ; lễ hội đình Quan Lạn và lễ hội Bạch Đằng. Đây là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái). Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP. Móng Cái

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển KT-XH, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản gắn với khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa. Trong đó, các di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ ngành Du lịch phát triển bền vững; góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh đến với bạn bè bốn phương.

Trước đó, ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 2 di tích của tỉnh Quảng Ninh, gồm: Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn); Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái).

Hội thi cấy tại lễ hội Xuống đồng năm 2023. Nguồn: Quảng Ninh Portal.

Quảng Ninh là vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. “Văn hóa đặc sắc” nơi đây có sự giao thoa giữa văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là bản tổng hòa bản sắc văn hóa của 23 dân tộc anh em quần cư trên vùng đất Quảng Ninh, trong đó có 22 dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa phía Đông của tỉnh.

Hải Phòng, Quảng Ninh mở rộng hợp tác với các địa phương hành lang kinh tế Việt - Trung
Tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X, TP. Hải Phòng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư