Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Quảng Ninh: Phát triển và nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương
Quỳnh Nga - 12/07/2024 18:28
 
Đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng, các sản phẩm truyền thống của Quảng Ninh ngày càng khẳng định vị trí và giá trị đối với người tiêu dùng trên thị trường.

Xây dựng và phát triển thương hiệu

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh xác định đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện chính. Thời gian qua tỉnh đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản.

Chương trình OCOP đã tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập người dân địa phương, đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Toàn tỉnh hiện duy trì 1.070 ha diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 94 ha lúa chất lượng cao; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 46 vùng trồng được cấp mã số; 6 cơ sở đóng gói quả tươi...

Cùng chất lượng, việc đóng gói đẹp mắt đang tạo thêm lợi thế cho các sản phẩm OCOP trên thị trường. Ảnh: Quỳnh Nga

Đến nay, toàn tỉnh Quảng có 417 sản phẩm OCOP của 13 huyện, thị xã, thành phố đạt từ 3-5 sao, tăng 181 sản phẩm so với cuối năm 2020. Trong đó, 315 sản phẩm đạt 3 sao, tăng 153 sản phẩm; 98 sản phẩm đạt 4 sao, tăng 24 sản phẩm; 4 sản phẩm đạt 5 sao, tăng 4 sản phẩm.

Tỉnh có 212 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao, tăng 37 chủ thể so với cuối năm 2020. Trong đó, có 55 doanh nghiệp, 83 hợp tác xã, 74 hộ sản xuất.

Từ chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chủ lực của địa phương như: gà Tiên Yên, Chả mực Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hàu, ruốc tôm, nước mắm Vân Đồn, dược liệu… đang ngày càng phát triển, khẳng định uy tín với người tiêu dùng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân.

Theo ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, chia sẻ: Trà hoa vàng Ba Chẽ là một trong những sản phẩm được định hướng để tham gia vào phát triển sản phẩm OCOP 5 sao. Công ty đã được hướng dẫn, hoàn thành các thủ tục hồ sơ để gửi trình Hội đồng trung ương xem xét, lựa chọn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn 5 sao, Công ty không ngừng hoàn thiện về nguồn trồng, máy móc, dây chuyền sản xuất, mẫu mã, bao bì,… của sản phẩm. Sản phẩm hiện đang tiếp tục hoàn thiện các điều kiện theo đúng quy chuẩn của sản phẩm OCOP 5 sao.

Để mở rộng thị trường, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trước đó, từ ngày 26/4 đến 1/5, chỉ sau 6 ngày diễn ra, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã thu hút gần 56.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt 17,9 tỷ đồng.

Có thể thấy, Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản tư duy nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tạo được niềm tin và sự sáng tạo, thúc đẩy người dân mạnh dạn sản xuất hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm.

Người dân áp dụng công nghệ trong bán hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Quảng Ninh Portal.

Nâng tầm thương hiệu từ khoa học và công nghệ

Để khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, hiện nay, nhiều chủ thể OCOP tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để làm mới sản phẩm. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã và đang được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chú trọng.

Cũng thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng. Đơn cử như sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ. Theo ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, cuối năm 2022 công ty đã đầu tư máy sấy trà thăng hoa của Việt Nam trị giá 950 triệu đồng thay thế máy sấy cũ. Ưu điểm của máy sấy thăng hoa là giúp cho hoa đẹp như lúc mới hái, hình dạng nguyên bản, màu sắc, hương vị giữ được 98%.

Ngoài ra, do lớp cánh ngoài cùng không bị thâm như khi sử dụng công nghệ sấy cũ, nên công ty đã tiết kiệm được nhân công bóc cánh hoa, giảm hao hụt nguyên liệu trong chế biến, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhờ đầu tư công nghệ sấy mới, năm 2023, Công ty đã tiêu thụ được hơn 8 tạ trà hoa vàng khô với giá 12 triệu đồng/kg, tăng 1,6 tạ so với năm 2022, ông Trắng cho biết thêm.

Không chỉ còn là sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhờ áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ... đến nay hơn 400 nông sản là sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã được biết đến rộng rãi hơn. Hiện, 100% các sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 5 sao trên địa bản tỉnh Quảng Ninh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Người tiêu dùng có thể đặt các sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điên tử. Ảnh: Quỳnh Nga

Việc đưa các sản phẩm nông sản qua các sàn thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm.

Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể sản xuất, tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...

Quảng Ninh tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI chất lượng
Trong nửa đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Quảng Ninh đạt 1,55 tỷ USD, bằng 52% kế hoạch năm và tăng 118% so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư