Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 31 tháng 12 năm 2024,
Quảng Ninh: Tăng thu nhập bình quân gấp 2 lần cho người dân vùng khó khăn
Thu Lê - 24/05/2021 20:37
 
Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết số 06 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Nghị quyết số 06 - NQ/TU là nghị quyết chuyên đề “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Quảng Ninh vừa mới được ban hành.

Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới. Trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số có bảo hiểm y tế. 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (trong đó phấn đấu hết năm 2021, xóa "vùng lõm" sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với các đại biểu DTTS tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V. Tháng 11.2020
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trò chuyện với các đại biểu dân tộc thiểu số tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V.

Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn.

Đến năm 2030, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,5%/năm. 

Trong giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Ngoài những chính sách chung của cả nước, Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng có của tỉnh về an sinh, phúc lợi xã hội. Nổi bật như: chính sách bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020  trên địa bàn tỉnh; mức chi hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020; chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…

100% đường nội thôn trên địa bàn xã Húc Động, huyện Bình Liêu, đã cơ bản được cứng hóa.
100% đường nội thôn trên địa bàn xã Húc Động, huyện Bình Liêu, đã cơ bản được cứng hóa.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế. 5 năm qua, tổng chi cho an sinh xã hội của Quảng Ninh đạt khoảng 8.981 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015; bố trí hơn 2,6 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lần lượt từ 93% và 91,4% năm 2015 lên 98% và 98,3% năm 2020. Quảng Ninh đã hoàn thành việc triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công (giai đoạn 2) với gần 4.000 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020.

Thời gian của người dân, doanh nghiệp là tiền bạc, là nguồn lực to lớn
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, thời gian của nhà đầu tư, của người dân chính là tiền bạc, là nguồn lực to lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư