Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ninh triển khai biện pháp khẩn cấp ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi
Thu Lê - 25/02/2019 16:43
 
Trước thông tin 3 địa phương đầu tiên trong cả nước đã phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, UBND Quảng Ninh đã ban hành Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND ngày 24/02/2019 để triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Cụ thể, theo Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND, địa phương này đã yêu cầu Chủ tịch UBND các thành phố, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách để phòng chống, không để phát sinh các ổ dịch trên địa bàn; tổ chức tiêu hủy ngay các động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; kịp thời phát triện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn  bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh…

Đặc biệt là các địa phương khu vực biên giới phải tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam. Việc tuyên truyền phải được đẩy mạnh để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm lợn…

Biểu hiện bên ngoài của bệnh Dịch tả lợn châu phi thể cấp tính và á cấp tính. Nguồn Sở NNPTNT Quảng Ninh.
Biểu hiện bên ngoài của bệnh Dịch tả lợn châu phi thể cấp tính và á cấp tính. Nguồn Sở NNPTNT Quảng Ninh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh (Sở NN&PTNN) được giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương thực hiện theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh dịch để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào tỉnh. Giám đốc Sở NN&PTNN phải thành lập ngay Đoàn công tác của sở để kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện phòng chống bệnh dịch…

Các thành viên của Ban chỉ đạo 389 của tỉnh và các thành phố, huyện, thị xã tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phầm lợn từ nước ngoài vào Việt Nam. Đẩy mạnh thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát giữa các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển,…

Lực lượng liên ngành của tỉnh đi kiểm tra các đường mòn, lối mở sát đường biên giới. Ảnh: Sở NN&PTNT Quảng Ninh cung cấp.
Lực lượng liên ngành của tỉnh đi kiểm tra các đường mòn, lối mở sát đường biên giới. Ảnh: Sở NN&PTNT Quảng Ninh cung cấp.

Các đơn vị liên quan khác như Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Tài chính cũng được giao nhiệm vụ cụ thể và phối hợp với các đơn vị khác để cùng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi một cách đồng bộ.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa phát hiện Dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Ninh đã và đang bố trí cán bộ bám sát, quản lý địa bàn để nắm thông tin; phối hợp với địa phương kiểm tra, theo dõi nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nếu xảy ra dịch.

Với đặc thù là tỉnh có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương với Trung Quốc nên hoạt động giao thương các mặt hàng, đặc biệt sản phẩm từ lợn là rất lớn. Hơn nữa, thực phẩm cung cấp cho người dân trên địa bàn cũng được nhập từ các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên…  Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NNPTNT),  Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng là 3 địa phương trong cả nước đã xuất hiện Dịch tả lợn Châu Phi. Đây chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn nguồn lây lan dịch bệnh lớn với Quảng Ninh. Điều này, đòi hỏi các cơ quan chức năng càng cần phải sát sao hơn nữa trong công tác chỉ đạo, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh và có các các biện pháp phòng chống kịp thời.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên lợn, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%, nên gây thiệt hại rất lớn.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 17/2/2019, đã có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam, Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam) và đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. 

Tại Việt Nam, đến nay đã xuất hiện bệnh dịch tại 02 hộ chăn nuôi tại 02 xã của tỉnh Hưng Yên, 06 hộ chăn nuôi tại 01 xã của tỉnh Thái Bình và 01 hộ tại Hải Phòng. Tất cả những đàn lợn bị nhiễm bệnh đã được tiêu hủy và xử lý theo quy định. Vùng bệnh dịch cũng được tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Mới đây, tại cuộc họp báo ngày 19/02 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thú y, ông Phạm Văn Đông cho biết thông tin, bệnh Dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm qua người, cũng không lây sang các động vật khác. Vì vậy, người dân không nên hoang mang lo lắng. Đồng thời, không tẩy chay thịt lợn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi lợn.

Dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm qua người, người dân không nên hoang mang lo lắng
Đây là thông tin được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết tại cuộc họp báo tổ chức ngày 19/2 tại Hà Nội. 
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư