Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Quảng Trị phát triển kinh tế từ nền nông nghiệp bền vững
Việt Hương - 24/10/2018 14:12
 
Gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực tại chỗ để xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Trị đã chọn phát triển mô hình sản xuất gắn kết người dân với doanh nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững.
TIN LIÊN QUAN

Xây dựng nông thôn mới vì người dân

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Quảng Trị, OCOP được địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của việc thực hiện xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ tư từ trái sang) khảo sát mô hình trồng dứa công nghệ cao tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ tư từ trái sang) khảo sát mô hình trồng dứa công nghệ cao tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị)

Ông Trần Văn Thu, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị chia sẻ: “Quảng Trị khó hội đủ các tiêu chí để về đích sớm trong xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới như các địa phương khác, vì việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Do vậy, tỉnh đã chọn cách xây dựng nông thôn mới bằng việc tái cơ cấu sản xuất, đưa nông nghiệp công nghệ cao về địa phương, bởi nó phù hợp với địa hình và lợi thế, từ đó nâng cao đời sống của người dân, đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới”. 

Là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, huyện Vĩnh Linh cũng đang tích cực triển khai Chương trình OCOP với nhiều cách làm, giải pháp cụ thể, hiệu quả.

Để giúp các xã, thị trấn trên địa bàn hiểu rõ hơn về Chương trình OCOP, huyện Vĩnh Linh đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn cho gần 60 cán bộ chủ chốt của địa phương. 

Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã đến khảo sát mô hình trồng dứa tại huyện Cam Lộ. Mô hình này có tổng diện tích hơn 144 ha, thuộc địa bàn các huyện Cam Lộ, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh trên cơ sở liên kết giữa UBND tỉnh, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương. 

Ghi nhận những thành quả từ mô hình nông nghiệp mới tại Quảng Trị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị nông dân địa phương cần tuân thủ đầy đủ quy trình canh tác để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn về quy cách và chất lượng. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Trị nên nghiên cứu khả năng mở rộng diện tích canh tác loại cây này.

Chia sẻ thêm về mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Thu cho biết, Quảng Trị gặp không ít khó khăn do điều kiện tự nhiên và những hậu quả do chiến tranh để lại. “Xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu đổi mới, nhưng để làm được, trước hết phải nâng cao đời sống của người dân, phải làm hài lòng nhân dân trước khi xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là thước đo hiệu quả, bởi xây dựng nông thôn mới thực chất là vì người dân”, ông Thu nói. 

Tạo “cú hích” để phát triển nông nghiệp bền vững

Tại Quảng Trị, các mô hình, dự án về đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn từng bước được triển khai có hiệu quả theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, bao tiêu sản phẩm cho người dân lần đầu được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực như mô hình trồng dứa của Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ do Tập đoàn Đại Nam cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh Obi - Ong biển, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại thôn Cang Gián (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) của Công ty Sumitomo (Nhật Bản) kết nối với siêu thị Intimex tại Hà Nội để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…

Tại huyện Triệu Phong, Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã được thành lập với 88 thành viên của 3 xã Triệu Trung, Triệu Sơn và Triệu Tài, cùng tham gia sản xuất nông sản sạch. Ông Trần Hữu, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, đây là hình thức liên kết giúp người nông dân yên tâm trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. 

“Chúng tôi đã mạnh dạn bắt tay cùng doanh nghiệp để biến những thửa ruộng khô cằn trở nên màu mỡ hơn nhờ áp dụng kỹ thuật công nghệ do doanh nghiệp đưa về. Sản phẩm nông sản sạch được bao tiêu ngay trên đồng và chúng tôi có được khoản thu lớn từ nghề nông, không theo cách làm truyền thống như trước đây”, ông Nguyễn Mạnh Trí, một người dân tại Triệu Phong phấn khởi cho biết.

Theo ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, sản xuất nông sản hữu cơ là hướng đi mới để Quảng Trị thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao sau khi địa phương cho thử nghiệm thành công các sản phẩm hữu cơ trên nhiều điểm tại vùng đất khắc nghiệt này. 

Sự ra đời của thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị do Công ty cổ phần Nông sản Quảng Trị (QTO), dưới sự hỗ trợ của UBND tỉnh, trồng thử nghiệm thành công trên những cánh đồng mẫu đã góp phần gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân từ những hạt gạo sạch... 

Đây là thành quả của dự án hợp tác sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch, bền vững giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị và Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển (Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị là đơn vị được Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển chuyển giao độc quyền công nghệ).

Đến nay, thương hiệu gạo QTO đã được nhiều người biết đến, tin dùng bởi chất lượng, giá trị đặc biệt của sản phẩm. “Để có được chỗ đứng trên thương trường, ngoài nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thì sự “hữu duyên” với vùng đất lửa Quảng Trị là yếu tố quan trọng đối với những người quyết tâm tạo nên sản phẩm đặc biệt này. Sản phẩm Gạo hữu cơ QTO đã thành công từ bàn tay của người nông dân dựa vào công nghệ độc quyền của Công ty”, bà Phạm Diễm Lệ, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị tự hào nói.

Được biết, hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang tăng cường hợp tác, thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương, như Tập đoàn FLC (đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Cam Lộ và Triệu Phong), Công ty Sumitomo của Nhật Bản (đầu tư mô hình trồng dưa lưới, nuôi tôm công nghệ cao và trang trại tổng hợp tại các xã vùng cát huyện Gio Linh); Học viện Nông nghiệp Việt Nam (phát triển trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp), Công ty ISE-FOOD của Nhật Bản (ngô nguyên liệu gắn với nuôi gà đẻ trứng), Tập đoàn Nafoods (trồng và chế biến chanh leo xuất khẩu tại huyện Hướng Hóa)...

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chọn mô hình sản xuất gắn kết người dân với doanh nghiệp, gắn nhà đầu tư với nhà nông để mang lại nguồn thu lớn, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế từ nền nông nghiệp bền vững. Cách làm này của Quảng Trị đã và đang trên đà thành công”.

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị, đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 72/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí tổ chức sản xuất; 110/117 xã đạt tiêu chí giải quyết việc làm cho lao động (trong tổng số 43/117 xã đạt nông thôn mới toàn diện).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư