Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội họp bất thường là hoạt động "bình thường"
Song An - 06/01/2023 07:52
 
Kỳ họp bất thường lần thứ hai là hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khóa XV. Ảnh: Duy Linh

Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia đảm bảo khả thi

Sáng 5/1, Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khoá XV đã được khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Cùng với các nước trên thế giới, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên tầm toàn cầu, đất nước chúng ta bước vào năm 2023 một cách vững chãi và tràn đầy tin tưởng với vận hội mới".

Rút kinh nghiệm từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung hết sức quan trọng, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Theo Chủ tịch Quốc hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước; Chính phủ có trách nhiệm tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội khóa XV về giám sát tối cao công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã yêu cầu phải hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022.

Trên cơ sở Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XIII) về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và trên cơ sở việc phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển quốc gia, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực phát triển…, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội tập trung cho ý kiến về 5 vấn đề.

Một là, xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển.

Hai là, dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển.

Ba là, định hướng về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn là, danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ.

Năm là, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

“Đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện, quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học và khả thi”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Hình thành vùng động lực, cực tăng trưởng dẫn dắt phát triển

Ngay trong phiên khai mạc, sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng nhấn mạnh 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.

Thứ nhất, cần hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Thứ ba, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.

Thứ tư, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Thẩm tra hồ sơ Quy hoạch, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, hồ sơ đã được xây dựng công phu, nghiêm túc với khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nêu nhiều vấn đề cần được hoàn thiện thêm.

Chẳng hạn, riêng định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đã bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển, song cơ quan thẩm tra cho rằng, các giải pháp thực hiện chưa cụ thể hoá các định hướng đã đề ra. Ủy ban đề nghị cần tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.

Cụ thể, về giải pháp huy động vốn đầu tư, với mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng) và đề xuất một số giải pháp cơ bản.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các giải pháp này đang thực hiện, chưa có giải pháp mới, đột phá. “Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, làm rõ hơn để bảo đảm tính khả thi cho quy hoạch”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội.

Theo Báo cáo quy hoạch, với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong thời kỳ 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong đó, dự kiến vốn đầu tư công thời kỳ 2021-2030 là 6,78 triệu tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 3,05 triệu tỷ đồng, bao gồm 2,87 triệu tỷ đồng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hơn 176.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội; giai đoạn 2026-2030 là 3,73 triệu tỷ đồng), vốn của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn khác thời kỳ 2021-2030 là 2,88 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng.

Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.

Bắt đầu thảo luận Quy hoạch Tổng thể quốc gia

Theo chương trình kỳ họp bất thường, sáng nay (6/1), Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung này sẽ được đưa ra phiên thảo luận toàn thể vào sáng ngày 7/1. Cuối phiên này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong phiên bế mạc vào chiều 9/1, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định nhiều nội dung về ngân sách

Cũng trong phiên bế mạc, Quốc hội sẽ thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Nghị quyết về một số nội dung liên quan đến ngân sách.

Theo đó, Quốc hội xem xét đề xuất của Chính phủ tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng; chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 là 1.547,8 tỷ đồng; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền 14.713,5 tỷ đồng; giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính 2.268,3 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm hai Phó thủ tướng
Giờ giải lao phiên họp Quốc hội sáng 5/1, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh vẫn xuất hiện ở hành lang Quốc hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư