Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quốc hội quyết định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Nguyễn Lê - 17/06/2020 15:38
 
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bổ sung quy định tạo điều kiện đàm phán, thu hút đầu tư, là những điểm đáng chú ý tại Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chiều 17/6.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bổ sung quy định tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư, là những điểm đáng chú ý tại Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chiều 17/6, với 92,34% đại biểu tán thành.

4 vị không biểu quyết và 8 vị đại biểu không tán thành thông qua luật này.

438 đại biểu đồng ý cấm

Trước khi thông qua toàn văn dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết riêng điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong đó có kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Kết quả trong 457 vị tham gia có 438 vị tán thành, 11 người có quan điểm ngược lại và 8 vị không biểu quyết.

Trước đó, như Báo Đầu tư Online đã đưa tin, do còn ý kiến khác nhau đến tận phiên thảo luận cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. 317/409 vị đã chọn phương án quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 91/409 vị chọn phương án không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã tiếp thu theo ý kiến đa số.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo trình Quốc hội thông qua cũng đã sửa đổi quy định tại khoản 2 để phân định rõ trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đồng thời, bổ sung khoản 4 quy định đối với trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Ưu đãi đặc biệt chỉ áp dụng với dự án đầu tư mới

Điều 20 về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt cũng được biểu quyết riêng và nhận được sự tán thành của đa số đại biểu tham gia biểu quyết. 

Trước đó, như Báo Đầu tư Online đưa tin, ngày 11/6, Chính phủ đã gửi Quốc hội tờ trình về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế.

Tại đây, Chính phủ đề nghị đưa vào Luật Đầu tư (sửa đổi) các nội dung sửa đổi, bổ sung các Điều 13, 14 và các quy định liên quan của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp để quy định cụ thể mức ưu đãi đặc biệt đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 với mức ưu đãi đầu tư đặc biệt, tối đa thêm 50% so với các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật, dẫn đến mở rộng ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai. Quy định trên có thể dẫn tới xung đột pháp luật. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Đồng thời bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4 Điều 75 của dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và để chính sách ưu đãi được thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư.

Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo đó, tại điều 75, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh, khoản 4 quy định: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 như sau:

a) Bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 như sau:

“5a. Đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng thuế suất ưu đãi giảm không quá 50% so với thuế suất ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 1,5 lần so với thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này và được kéo dài thêm không quá 15 năm và không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư.”;

b) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14 như sau:

“1a. Đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng miễn thuế tối đa không quá 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm.”

Quản lý dịch vụ đòi nợ thuê: Không để “luật rừng” thay luật pháp
Tới 99% công ty tại TP.HCM sau khi được cấp phép hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê đều có dấu hiệu câu kết với băng nhóm “xã hội đen” để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư